Tiêu điểm

Giá lợn, gà bấp bênh vì hẹp cửa xuất ngoại


Ngành chăn nuôi Việt Nam đã trải qua rất nhiều thời điểm rớt giá. Các sản phẩm khác chưa tiêu thụ được có thể cất vào kho, riêng chăn nuôi bán rẻ như cho nhưng cũng không bán được. Nguyên nhân là thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi chủ yếu ở trong nước, trong khi con đường xuất khẩu chưa rộng mở.

Trong lúc thị trường chăn nuôi gia cầm đầy biến động, trang trại Miền Đông của ông Nguyễn Minh Kha (Đồng Nai) vẫn hoạt động ổn định, ăn nên làm ra. Tham gia chuỗi xuất khẩu thịt gà sang Nhật từ năm 2015, trải qua gần 3 năm đến ngày 29/9/2017, lô hàng thịt gà đầu tiên của trang trại này đã được công ty Koyu & Unitek (đối tác trong chuỗi liên kết lo con giống, cám, đầu ra) xuất vào thị trường Nhật Bản.

“Từ đó tới nay, công việc xuất khẩu gà của tôi tiến hành rất thuận lợi và liên tục phát triển”, ông Kha chia sẻ.

Có thời điểm bán rẻ như cho cũng không được

Tuy vậy, nhìn vào thực tế, không nhiều mô hình chăn nuôi trong nước đủ điều kiện có thể xuất khẩu được như trang trại Miền Đông của ông Kha. Thống kê từ Cục Chăn nuôi cho thấy, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2023 đạt 232 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2022. Ở chiều ngược lại, tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 1,67 tỷ USD (gấp khoảng 7 lần  xuất khẩu), giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2022.

-2348-1690272278.jpg

Thị trường sản phẩm của ngành chăn nuôi chưa bền vững vì "hẹp cửa" xuất ngoại. 

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), Việt Nam đã ký kết hàng chục hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA nổi bật như CPTPP, EVFTA… Điều này tạo ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, vấn đề về giá bán và vùng chăn nuôi an toàn vẫn đang là rào cản lớn khiến sản phẩm thịt của Việt Nam chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu.

Báo cáo từ Cục Thú y cũng cho thấy, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch đạt trên 400 triệu USD (năm 2022).

Điều đáng nói, dù Việt Nam có đàn gia cầm lớn nhất nhì thế giới, đàn lợn xếp thứ 6 thế giới, nhưng người chăn nuôi cũng như các doanh nghiệp trong ngành vẫn gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh đe doạ, thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá cả không ổn định. Một số loại dịch bệnh nguy hiểm, dai dẳng vẫn đang đe doạ ngành chăn nuôi trong nước như dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng, viêm da nổi cục…

Chia sẻ tại Tọa đàm "Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thúc đẩy chế biến xuất khẩu thịt và sản phẩm chăn nuôi", ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam chỉ ra: Chăn nuôi trong những năm qua đã trải qua những giai đoạn rất khó khăn về thị trường. Năm 2017, giá lợn xuống "rẻ như cho". Năm 2019, đầu năm đối mặt với dịch tả lợn châu Phi, chưa bao giờ ngành chăn nuôi phải đối diện với dịch bệnh lớn như vậy. Cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, dịch Covid-19 làm đứt toàn bộ cung ứng toàn cầu, trong đó ngành chăn nuôi chịu tác động trực tiếp.

“Các sản phẩm khác chưa tiêu thụ được có thể cất, nhưng riêng chăn nuôi không bán nổi, bán rẻ như cho nhưng cũng không bán được. Những vật tư khác có thể tạm cất kho, thậm chí các sản phẩm nông sản khác có thể không chăm sóc cũng được, nhưng vật nuôi thì không thể”, ông Dương nói.

Theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, có lúc giá gia cầm xuống cực thấp nhưng không tiêu thụ được. Dù không tiêu thụ được nhưng con vật vẫn phải ăn, “chúng ta chưa nhìn thấy hết khó khăn của ngành chăn nuôi lúc bấy giờ”.

"Mở cửa" thị trường xuất khẩu

Trong bối cảnh thị trường trong nước dư thừa, giá cả bấp bênh, rõ ràng vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao mở cửa thị trường tiêu thụ bên ngoài, xuất khẩu ngày càng nhiều để vừa khai thác tốt năng lực sản xuất của ngành chăn nuôi, vừa thúc đẩy phát triển ngành hiệu quả và bền vững.

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Giám đốc đối ngoại Công ty De Heus Việt Nam, cơ hội đầu tư trong chăn nuôi của Việt Nam là rất lớn nhưng còn nhiều thách thức. Thách thức là chăn nuôi của Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có 2 rủi ro lớn là giá cả và dịch bệnh.

“Giá cả chăn nuôi biến động theo thị trường liên tục, chúng ta không can thiệp được. Còn rủi ro dịch bệnh chủ yếu đến từ khâu chăm sóc quản lý là chính, chúng ta kiểm soát được, nhưng nếu xảy ra dịch bệnh thì việc khôi phục sản xuất chăn nuôi là rất khó khăn, thiệt hại rủi ro do mầm bệnh trong môi trường chăn nuôi lại rất lớn”, ông Hiếu cho biết.

Ông Hiếu cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các quốc gia trên thế giới về xuất khẩu các sản phẩm chế biến, xuất khẩu ức gà trắng. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn.

“Điều chúng ta cần làm hiện nay là xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để làm nền tảng cho xuất khẩu. Cùng với sự đầu tư cơ sở chế biến giết mổ bài bản, hiện đại, sự vào cuộc của Nhà nước, doanh nghiệp, chúng ta có thể tự tin rằng trong tương lai gần sẽ có nhiều điểm sáng về xuất khẩu”, ông Hiếu kỳ vọng.

Chia sẻ về bí quyết xuất khẩu thịt gà đi Nhật Bản, ông Nguyễn Minh Kha, chủ chuỗi Trang trại Miền Đông cho biết, đây là thị trường đầy tiềm năng nhưng khó tính, tiêu chuẩn kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh an toàn thực phẩm cao. Trước khi muốn vào thị trường Nhật cần đạt những tiêu chuẩn cao.

“Trước tiên, hồ sơ pháp lý trang trại phải đầy đủ như giấy phép xây dựng, giấy phép đầu tư, an toàn dịch bệnh,.. Sau đó, để xuất qua thị trường Nhật cần phải trải qua quá trình hỗ trợ của các cấp ngành để xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Đồng thời, sản phẩm thịt gà muốn xuất qua Nhật Bản thì cần phải làm các xét nghiệm loại trừ kháng sinh và các chất cấm. Trước 10 ngày không được dùng kháng sinh nên an toàn dịch bệnh phải thực hiện nghiêm ngặt để đảm bảo đàn gà tốt nhất nhằm tránh thiệt hại, giảm thiểu rủi ro…”, ông Kha liệt kê.

Trước yêu cầu bức thiết của việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam – ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng: "Đúng là chúng ta có nhiều thành tựu, đặc biệt trong công tác kiểm dịch bệnh, chúng ta xây dựng vùng an toàn, chúng ta kết nối chuỗi. Thế nhưng, những hạn chế của chăn nuôi Việt Nam còn rất nhiều và cần giải quyết quyết trong thời gian tới".

Theo đó, ông Dương nhìn nhận, cơ sở an toàn, vùng an toàn là nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành chăn nuôi. Thêm vào đó, Việt Nam cần tổ chức chăn nuôi theo hướng liên kết. Nếu không có chuỗi chăn nuôi, chúng ta không thể tồn tại được trong bối cảnh cả về dịch bệnh, cả về thị trường như bây giờ.

“Tôi khẳng định chúng ta còn hạn chế trong chuỗi liên kết, thể hiện ở mức độ quy mô còn đang thấp. Chúng tôi ước tính thôi chứ chưa có điều tra cụ thể, khoảng 25- 30% các sản phẩm chăn nuôi được vào các chuỗi liên kết”, ông Dương thông tin.

Nhật Linh 

Tác giả: Nhật Linh 
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật