GS. TS. Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết nông nghiệp bền vững với những quy trình chứng nhận cụ thể ở Việt Nam tuy đã phát triển những năm gần đây nhưng thực tế cho thấy, tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, đạt chứng nhận quốc tế còn ít, chỉ khoảng 10-15%
Diện tích chưa mở rộng
Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận cụ thể nhìn chung còn rất khiêm tốn. Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, tổng số diện tích được chứng nhận VietGAP đến hết năm 2019 mới đạt 119.584ha, chỉ chiếm 1%. Tính đến cuối năm 2023, diện tích chứng nhận hữu cơ của cả nước mới chỉ có 495.000ha, chiếm 4,3% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của Việt Nam
Dẫn chứng về riêng diện tích cây ăn quả, bà Trần Thị Tuyết Thu, Đại học Quốc Gia Hà Nội, cho biết nếu như Nghệ An năm 2021 có 3.500ha cam/5.300ha cây ăn quả thì trong năm 2023 đã giảm mạnh khoảng 1.000ha.
Hay như Hòa Bình năm 2020 có 10.339,5ha cây có múi nhưng đến 2021 chỉ còn 9.687,4ha, đến năm 2022 tiếp tục giảm hơn 1.000 ha. Diện tích cây có múi được chứng nhận an toàn thực phẩm như GAP, hữu cơ tính đến hết 2023 là 1.825,8ha, trong đó, diện tích được chứng nhận đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm là 1.110,2 ha, chứng nhận VietGAP, GlobalGAP là 663,61ha, chứng nhận hữu cơ Việt Nam là 52ha.
HTX vẫn gặp khó trong sản xuất bền vững. |
Điều này cho thể thấy diện tích nông nghiệp được chứng nhận còn khá khiêm tốn, thậm chí có xu hướng giảm. Thực tế từ các địa phương cũng cho thấy những thực tiễn trong quá trình sản xuất của nông dân, HTX hiện nay.
Việc giảm diện tích được cho là tình hình sâu bệnh ngày càng tăng theo chiều hướng đa dạng và phức tạp đi liền với ô nhiễm môi trường và suy thoái đất. Điều này khiến không ít HTX dù đã phát triển các vùng trồng tập trung nhưng đứng trước nguy cơ không đảm bảo được năng suất, sản lượng.
Bên cạnh đó, nhiều HTX đang rơi vào cảnh trình độ lao động không đồng đều, khó tiếp cận tiêu chuẩn sản xuất mới, hiện đại. Trong khi các quy trình đạt chứng nhận yêu cầu rất nghiêm ngặt về quy trình sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Khương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tổng hợp chăn nuôi và Thương mại Khánh Phát (Hà Nội), cho biết hiện nay các kỹ thuật chăn nuôi của nông dân vẫn chưa theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là các quy trình chứng nhận ở mức độ cao như hữu cơ, organic… Do đó, HTX rất mong nhận được sự giúp đỡ của các ngành chức năng trong nâng cao quy trình kỹ thuật cho người chăn nuôi.
Ngoài ra, nhiều HTX ở các địa phương có thế mạnh phát triển cây, con đặc trưng với nguồn giống bản địa. Tuy nhiên, chính điều này cũng gây ra không ít khó khăn đó là nguồn giống bản địa ở Việt Nam hiện nay cũng có nhiều nhược điểm như mã xấu, nhiều hạt, năng suất và chất lượng thấp nên rất khó xuất khẩu.
Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (Hà Nội) Trịnh Thị Nguyệt cho biết, hình thức nông sản sản xuất theo hướng bền vững vẫn chưa có những khác biệt để thu hút người tiêu dùng, khiến đầu ra còn bấp bênh.
Phía trước còn nhiều rào cản
Xuất khẩu nông sản năm 2024 đã đạt được khoảng 62 tỷ USD. Tuy nhiên điều các chuyên gia lo lắng hiện nay là Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 10 quốc gia lượng nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất. Năm 2024, đã có 139 mã số vùng trồng, 192 mã số cơ sở đóng gói đối với các sản phẩm xoài, vú sữa, thanh long, nhãn và mít bị thu hồi.
Bên cạnh đó, 4 mặt hàng nông sản Việt phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn khi xuất khẩu sang EU, như ớt (50%), đậu bắp (50%), thanh long (30%) và sầu riêng (10%).
Th.s Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kinh doanh Vina T&T Group, cho biết ngay như xuất khẩu nông sản, trong đó có xuất khẩu dừa của Việt Nam sang Trung Quốc hiện nay phải cạnh tranh khốc liệt với Thái Lan, Indonesia. Điều này đòi hỏi HTX, doanh nghiệp phải cải tiến và nâng chất lượng sản phẩm và giữ giá hợp lý.
Như vậy, sản xuất bền vững, có các chứng nhận theo quy trình sản xuất là điều cần thiết để có thể đảm bảo an toàn thực phẩm và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường.
Tuy nhiên, một trong những điều kiện cần hiện nay đối với nông dân, HTX, doanh nghiệp khi chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hữu cơ, sản xuất bền vững là phải có quỹ đất sạch đủ lớn để đảm bảo các yêu cầu canh tác. Nhưng nhiều HTX lại đang vướng điều này.
Bên cạnh đó, để sản xuất được theo hướng bền vững, cần có quy trình sản xuất cụ thể, nhưng hiện nay, ngay trong sản xuất hữu cơ, quy trình sản xuất còn chung chung cho tất cả các đối tượng cây trồng, vật nuôi khiến các HTX gặp không ít khó khăn khi triển khai vì thiếu cơ sở để áp dụng trong thực tiễn.
Còn đối với tiêu chuẩn VietGAP, theo đánh giá của giới chuyên gia, sản xuất đúng theo tiêu chuẩn này, nông sản vẫn có thể xuất khẩu sang một số thị trường thuận lợi. Trong khi các quy định VietGAP ít hơn so với quy trình hữu cơ nên nông dân, HTX có thể chuyển đổi, bắt nhịp sản xuất thuận lợi hơn.
Vậy nhưng việc Việt Nam chưa có bắt buộc các siêu thị, các chợ đầu mối…bán sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP chính là nguyên nhân khiến chất lượng nông sản khi tiêu thụ trên thị trường vẫn chưa đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng là nguyên nhân khiến diện tích nông sản đạt tiêu chuẩn cơ bản nhất hiện nay là VietGAP vẫn chưa được mở rộng.
TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay chú trọng đến các quy định cho các siêu thị. Trong đó, siêu thị ngoài áp dụng tiêu chuẩn về nông sản của chính nước đó còn phải tuân thủ tiêu chuẩn riêng cho từng nhóm hàng hóa. Bên cạnh đó, các siêu thị thường ký kết hợp đồng tiêu thụ trực tiếp với nông dân, HTX. Tại Việt Nam, điều này còn rất ít.
Huyền Trang