Vì sao số lượng trái cây, nông sản của Thái Lan được xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc nhiều gấp đôi so với trái cây, nông sản Việt Nam? Vì sao cùng xuất qua cửa khẩu phía Bắc của Việt Nam, nhưng tần suất kiểm tra của Trung Quốc với nông sản Thái Lan lại ít hơn, nhanh hơn nông sản Việt? Đây là thông tin được các phóng viên, báo chí được đưa ra với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong cuộc họp mới đây.
Nông sản, trái cây Việt có thua Thái Lan tại thị trường Trung Quốc? |
Thông tin về vấn đề này, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, số lượng các loại trái cây của Thái Lan xuất khẩu sang Trung Quốc theo diện chính ngạch và có ký kết Nghị định thư nhiều hơn chúng ta vì Thái Lan đã tiến hành đàm phán với Trung Quốc trước chúng ta cả một thời gian dài.
Phải đến tận gần năm 2000, sau khi Việt Nam chính thức tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì mới bắt đầu tiến hành đàm phán cho các sản phẩm. Tuy nhiên nếu so sánh trong 5 năm gần đây về tốc độ đàm phán để ký nghị định thư với Trung Quốc thì chúng ta ngang bằng, thậm chí còn nhanh hơn so với Thái Lan
Với mặt hàng sầu riêng, số lượng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói của Thái Lan cao hơn rất nhiều so với Việt Nam, cũng là vì lý do này.
Ông Hoàng Trung cho biết thêm, sau một năm ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng với Trung Quốc, đến nay Việt Nam có gần 300 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được phía Trung Quốc chấp thuận. Gần 400 hồ sơ khác đang được phía Trung Quốc lên kế hoạch kiểm tra vào thời gian tới. Trong khi đó, Thái Lan đã có đến hàng chục ngàn mã cho riêng mặt hàng này.
Về thủ tục kiểm tra nông sản nhập khẩu, theo ông Hoàng Trung, phía Trung Quốc quy định mỗi lô hàng nhập khẩu vào nước này thì cán bộ kiểm dịch, hải quan sẽ lấy mẫu theo tỷ lệ 2% số hàng. Qua một năm mà không thấy vi phạm hoặc không phải đưa vào cảnh báo thì họ sẽ giảm tỷ lệ lấy mẫu xuống 1%. Nếu hàng hóa được làm tốt hơn nữa thì thậm chí họ chỉ cần kiểm tra bên ngoài, không cần phải lấy mẫu. Nếu chúng ta càng làm tốt, càng kiểm soát tốt, không có vi phạm thì tần suất kiểm tra và lấy mẫu sẽ giảm dần.
Về vấn đề tại sao các loại trái cây của Thái Lan xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhiều hơn Việt Nam, theo ông Hoàng Trung, trong 5 năm gần đây, tốc độ ký Nghị định thư với Trung Quốc của chúng ta ngang bằng, thậm chí còn nhanh hơn so với Thái Lan (những loại trái cây, sản phẩm chúng ta cần đàm phám chính thức để ký Nghị định thư).
Đối với sầu riêng, chúng ta mới ký Nghị định thư với Trung Quốc xuất khẩu sầu riêng được 1 năm, do đó nhiều số liệu vẫn đang được tiếp tục cập nhật cho chính xác. Tuy nhiên, đến hiện tại, chúng ta có gần 300 mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói và gần 400 hồ sơ cả mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã chuyển sang Trung Quốc, phía bạn đã tiếp nhận và lên kế hoạch kiểm tra trực tuyến.
Trước đó, để tạo sự đột phá về tiêu thụ sầu riêng nói riêng và rau quả nói chung tại thị trường Trung Quốc tăng kim ngạch xuất khẩu, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng đẩy mạnh đàm phán với cơ quan chức năng Trung Quốc để cấp phép thêm nhiều mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng.
“So với Thái Lan với con số 20.000 mã vùng trồng, 2.000 mã cơ sở đóng gói… sầu riêng thì con số hiện nay của Việt Nam với 246 mã số vùng trồng là quá khiêm tốn. Chúng ta khó có thể tiêu thụ hết sản lượng sầu riêng của Việt Nam với diện tích 110.000 ngàn ha, sản lượng hơn triệu tấn/năm", ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ.
Ông Đặng Phúc Nguyên lo ngại, trong bối cảnh số lượng này ngày càng tăng, bình quân 10%/năm do trồng mới, chắc chắn năm nay ở Việt Nam sẽ có hiện tượng “thắt cổ chai” trong ngành hàng sầu riêng do có hàng nhưng hết hoặc không có đủ quota xuất khẩu.
Đồng thời, kiến nghị ngành Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có đủ cán bộ bố trí, kiểm tra, hướng dẫn, tư vấn giúp các nông hộ, doanh nghiệp các bước chuẩn bị cơ bản cần thiết, chu đáo để khi Hải quan Trung Quốc kiểm tra là đạt 100% được cấp mã số, tránh tình trạng bị rớt “oan uổng” do không rõ, không biết.
Tính đến nay, Việt Nam có 12 loại rau quả của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, sầu riêng và khoai lang.
Trong số đó, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 3 Nghị định thư về việc xuất khẩu sang Trung Quốc với quả măng cụt, sầu riêng và chuối. Ngoài ra, Việt Nam đang đàm phán để ký Nghị định thư với: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, xoài. Ngoài 9 loại quả kể trên, Việt Nam còn được phép xuất khẩu mít và chanh leo chính ngạch sang Trung Quốc.
Mới đây, hai bên đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ mở ra cơ hội cho xuất khẩu tại thị trường này.