Tiêu điểm

Tăng cường kết nối để nông sản của HTX không còn 'bí' đầu ra


Đang có những đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo hàng nghìn việc làm tại địa phương. Tuy nhiên, ‘bài toán’ lớn nhất của các HTX trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện tại vẫn là gia tăng giá trị sản phẩm và thị trường tiêu thụ bền vững. 

Với nhiều thế mạnh về tự nhiên, thổ nhưỡng và khí hậu, Đắk Lắk có nhiều sản phẩm nông sản thế mạnh. Tuy nhiên, “con đường” để tiếp cận người tiêu dùng, đặc biệt là hệ thống bán lẻ hiện đại hiện còn nhiều khó khăn, bởi các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, giấy tờ chứng nhận...

Đẩy mạnh kết nối thị trường

Quả bơ đang là một trong những sản phẩm thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk. Những năm qua, HTX Bơ Đại Hùng (TP. Buôn Ma Thuột) đã chủ động sản xuất bơ theo quy trình VietGAP, có chứng nhận hữu cơ, tem chứng nhận đối với hai loại bơ booth và bơ sáp trái vụ.

Để đảm bảo vùng nguyên liệu, HTX đang liên kết với 14 hộ nông dân trồng bơ trên diện tích 14 ha. Bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường 150 tấn bơ các loại, trong đó 90 tấn vào hệ thống cửa hàng, chuỗi siêu thị tiện lợi ở các tỉnh thành trong cả nước, còn lại tiêu thị ở thị trường tự do.

-2139-1681284445.jpg

Cần thêm đòn bẩy để HTX đưa sản phẩm vào các kênh bán lẻ hiện đại (Ảnh: BĐL).

Dù đang có những thành công tích cực khi tiếp cận với các kênh phân phối lớn, tuy nhiên HTX vẫn còn nhiều trở ngại khi đưa sản phẩm vào các siêu thị hàng đầu trong và ngoài nước.

Ông Đặng Huy Hùng, Giám đốc HTX Bơ Đại Hùng, chia sẻ HTX đã từng làm việc với loạt đại siêu thị như MM Mega Market, GO... nhưng chưa có kết quả, vì chưa thể xây dựng được vùng nguyên liệu đa giống đủ lớn, bảo đảm nguồn hàng cung ứng liên tục, ổn định quanh năm.

Theo tính toán của vị đại diện HTX, để có nguồn hàng cung cấp cho các siêu thị lớn thì năng lực của HTX phải đạt sản lượng trung bình 300 - 500 tấn quả mỗi năm. Trong khi đó, việc quy hoạch lại vùng trồng, vận động bà con liên kết để mở rộng diện tích canh tác hiện không dễ dàng.

Trước những thách thức mà HTX, doanh nghiệp gặp phải, thời gian qua, Đắk Lắk đã có nhiều giải pháp nhằm kết nối cung cầu, tăng cường sự hiện diện của nông sản địa phương tại các siêu thị lớn.

Cụ thể, Sở Công Thương tỉnh đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm hiểu nhu cầu cung ứng và sản xuất các sản phẩm có lợi thế của địa phương để thông tin, kết nối hợp tác với đơn vị phân phối, hệ thống các siêu thị.

Kể từ năm 2020 đến nay, đã có nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết, thúc đẩy đưa hàng hóa của các HTX, doanh nghiệp tại địa phương đến với người tiêu dùng cả nước. 

Gia tăng giá trị sản xuất

Đơn cử, vào cuối năm 2022, tỉnh đã phối hợp tổ chức Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa nhà sản xuất thực phẩm đặc sản, OCOP Đắk Lắk với nhà phân phối đưa hàng vào hệ thống siêu thị của Tập đoàn Central Retail (sở hữu các chuỗi siêu thị GO, Mini go!, TopsMarket, LanChi).

Đắk Lắk hiện có 708 HTX (45 HTX thành lập mới trong hơn 3 tháng đầu năm 2023). Thời gian qua, các HTX trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực trong chuyển đổi hoạt động sang mô hình HTX kiểu mới. Qua đó giúp công tác tổ chức, kế hoạch sản xuất, liên kết với doanh nghiệp chuyên nghiệp hơn và từng bước mang lại hiệu quả nhất định.

Đây là tín hiệu tích cực trong công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, HTX, doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối, đóng vai trò quan trọng để tìm lối ra bền vững cho nông sản thế mạnh của tỉnh.

Thông qua hoạt động trên, đã có 11 HTX, doanh nghiệp với gần 30 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao sẽ được lên kệ siêu thị GO Buôn Ma Thuột, mở ra cơ hội đến gần hơn với người tiêu dùng.

Những chính sách kết nối được đẩy mạnh rõ ràng đang đem lại nhiều hy vọng cho các HTX, doanh nghiệp. Đáng chú ý, không chỉ thị trường nội địa, nhiều HTX đang hướng tới việc kết nối để đưa sản phẩm xuất ngoại, từ đó nâng cao giá trị sản xuất, gia tăng thu nhập, làm giàu cho thành viên.

Điển hình, HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) đang là một trong những đơn vị điển hình về sản xuất, tiêu thụ cà phê. HTX đang có 49 thành viên (90% thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số) và là điểm tựa thoát nghèo, làm giàu cho gần 150 hộ liên kết.

Nhờ sự đầu tư thích đáng cho khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, các sản phẩm cà phê của HTX đang tiếp cận với nhiều thị trường khó tính như Anh, Mỹ, Đức, Pháp…

Năm 2023, HTX dự kiến sẽ có doanh thu khoảng 12 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với năm 2022, tạo việc làm cho 16 lao động tại địa phương với mức lương 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài duy trì sản xuất, nâng cao chất lượng cà phê, HTX còn phát triển thêm 60 ha sản xuất cà phê hữu cơ (organic), đồng thời xây dựng vùng trồng 14 ha sầu riêng chất lượng cao để tăng thêm thu nhập cho thành viên, hộ liên kết và người lao động.   

HTX Sản xuất và Dịch vụ nông ngư nghiệp Thái Hải (buôn Tung 1, xã Buôn Triết, huyện Lắk) cũng đang là điểm sáng trong tạo việc làm, làm giàu cho nông dân địa phương, sau hơn 10 năm hoạt động.

Ban đầu, HTX chỉ có 21 thành viên là những nông dân trồng lúa theo kiểu tự phát. Đến nay, HTX đã thu hút 108 thành viên chính thức, sản xuất 80 ha lúa giống Đài thơm, RVT. Đơn vị liên kết với doanh nghiệp để cung ứng phân bón với giá gốc, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá cao hơn thị trường từ 1.000 – 1.500 đồng/kg.

Ông Nguyễn Ngọc Côn, Giám đốc HTX, cho hay hiệu quả mà HTX mang lại cho người dân cũng như các thành viên không chỉ là về kinh tế với thu nhập gần 80 triệu đồng/ha đất lúa mà còn là sự thay đổi tư duy làm kinh tế từ kiểu “mạnh ai nấy làm” đến liên kết sản xuất theo quy mô hàng hóa nhằm giảm rủi ro và nâng cao thu nhập.

Có thể thấy, các HTX ngày càng khẳng định được vị thế trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Tuy nhiên, để HTX làm tốt hơn nữa, cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh về kết nối thị trường tiêu thụ, chuyển giao khoa học kỹ thuật, vốn vay, đào tạo nhân lực…

Lệ Chi

Bài viết liên quan