Tiêu điểm

Tấp nập chốt đơn trước vụ vải thiều


Vải thiều chưa bước vào chính vụ thu hoạch nhưng đến nay có nhiều tín hiệu cho thấy thị trường tiêu thụ khả quan. Người sản xuất là nông dân, HTX, cũng như các doanh nghiệp tham gia phân phối, xuất khẩu đang rất bận rộn, nhận được nhiều đơn đặt hàng... đem tới kỳ vọng về một vụ mùa bội thu.

Dự kiến, 2 tuần nữa, HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (Lục Ngạn, Bắc Giang) mới chính thức bước vào vụ thu hoạch vải thiều, nhưng đến thời điểm này, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX hồ hởi cho VnBusiness biết, có nhiều tín hiệu khả quan về thị trường, giá trong vụ vải năm nay.

Đa dạng thị trường

HTX vừa thu hoach được 70kg quả vải chín sớm, chủ yếu làm quà biếu tặng. Vải chín sớm có mức giá khoảng 50.000 đồng/kg. Giám đốc Phạm Văn Dũng cho hay, bắt đầu từ tháng 6, HTX sẽ bước vào mùa thu hoạch, năm nay dự kiến sản lượng đạt hơn 1.000 tấn.

-3084-1684382779.jpg

Nhiều tín hiệu khả quan về thị trường khi chuẩn bị vào vụ vải thiều 2023. 

Đến nay, HTX đã ký được hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị lớn trong nước, cũng như đơn hàng xuất khẩu tới các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, EU…

Với thị trường Trung Quốc, HTX đã tiếp và “chốt đơn” với nhiều thương nhân người Trung Quốc khi họ đến khảo sát thị trường.

Còn với thị trường EU, Nhật Bản, mức giá được kỳ vọng cao hơn thị trường chung 20-30%, tất nhiên chất lượng quả vải rất khắt khe, đòi hỏi các thành viên HTX phải chú trọng tới khâu chăm sóc ngay từ đầu vụ. 

“Năm ngoái, HTX đạt doanh thu 17 tỷ đồng. Vụ vải năm nay, chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận khả quan hơn vì những tín hiệu khả quan trên”, ông Dũng chia sẻ.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Bắc Giang, năm 2023, tổng diện tích vải thiều của tỉnh là 29.700 ha (tăng 1.400 ha so với năm 2022), sản lượng ước đạt trên 180.000 tấn. Trong đó, diện tích vải chín sớm là 7.700 ha, sản lượng ước 57.000 tấn; vải chính vụ là 22.000 ha, sản lượng ước trên 120.000 tấn; vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.600 ha, sản lượng khoảng 113.800 tấn; vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 82 ha, sản lượng ước đạt 1.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều của tỉnh Bắc Giang từ ngày 25/5 - 30/7/2023 (trong đó, vải sớm từ 25/5 – 15/6, vải chính vụ từ 10/6 – 30/7).

Vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho hay, đã có hơn 200 thương nhân Trung Quốc đăng ký nhập cảnh vào Việt Nam, đến tỉnh Bắc Giang tham gia giám sát vùng nguyên liệu, ký kết các hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải sang thị trường này.

Với thị trường trong nước, ngày 16/5/2023, tại tỉnh Bắc Giang đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Central Retail Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Giang về tiêu thụ vải thiều mùa vụ 2023. Dự kiến, năm 2023, Tập đoàn Central Retail Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng 300 tấn vải Lục Ngạn – Bắc Giang.

Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, sẽ triển khai nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều mùa vụ 2023 của tỉnh Bắc Giang, như cung cấp thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, nhà cung cấp địa phương về các điều kiện, thủ tục, giấy tờ để đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị của Central Retail Việt Nam…

Doanh nghiệp hoạt động ‘full’ công suất

Trong khi đó, tại vùng vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), nông dân đang vào vụ mùa thu hoạch vải sớm, bán với giá từ 45.000 – 90.000 đồng/kg. Nhiều thương lái người Trung Quốc đã đến tham quan và đặt điểm cân tại đây. Các HTX dịch vụ nông nghiệp đã chủ động liên kết tiêu thụ vải thiều Thanh Hà với nhiều siêu thị nông sản sạch tại các thành phố lớn trên cả nước. 

Thông tin tới VnBusiness, bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng giám đốc Công ty Ameii Việt Nam cho hay, doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với các HTX, bà con nông dân ở vùng vải thiều Thanh Hà, Hải Dương. Về mức giá, Ameii cam kết thu mua cao hơn thị trường.

Năm nay, bà Hồng vui mừng chia sẻ, Ameii nhận được rất nhiều đơn hàng từ các thị trường, trong đó có thị trường truyền thống của doanh nghiệp như Nhật Bản, EU, Úc và một số thị trường mới thuộc khu vực Trung Đông, Singapore, Malaysia…

“Vải năm nay chín muộn, song đến giờ, Ameii đã nhận đơn hàng "full" công suất của các nhà máy. Ngoài xuất khẩu, chúng tôi cũng đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều chất lượng cao ở thị trường trong nước, với tỷ lệ khoảng 20% - đây cũng là thị trường rất tiềm năng phục vụ nhu cầu làm quà tặng, nhập hàng của các cửa hàng trái cây sạch…”, bà Hồng chia sẻ.

Theo ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương, địa phương sẽ đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Sendo, Viettel Post, VNPT... Đồng thời, tổ chức các cuộc họp, các buổi làm việc với các tập đoàn bán lẻ, siêu thị lớn trong nước; các doanh nghiệp, các đầu mối thu mua, xuất khẩu vải thiều trong và ngoài nước; các doanh nghiệp đầu mối, thu mua vải thiều của Trung Quốc… kết nối với người trồng vải để ký kết hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải thiều của Hải Dương.

Đối với thị trường xuất khẩu, ông Trần Văn Hảo thông tin, cùng với việc đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường đã hợp tác những năm qua như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan…, Sở Công Thương Hải Dương cũng chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại phối hợp với các đơn vị chức năng tích cực tìm kiếm, mở rộng thêm các thị trường mới, tiềm năng như các nước khu vực Nam Mỹ; các nước thuộc châu Phi… và ngay tại chính Trung Quốc, một thị trường rộng lớn, giáp với Việt Nam.

Đáng chú ý, không chỉ bán quả vải thiều, tại các "thủ phủ" trồng vải đang triển khai một mô hình độc đáo là “bán vải cả cây”, tức là du khách chi hàng chục triệu đồng để sở hữu cây vải khi mới ra hoa và sẽ trực tiếp tham gia thu hái quả. Đây là cách làm để nâng cao giá trị… hứa hẹn một vụ mùa vải thiều bội thu.

Lê Thúy

Tác giả: Lê Thúy
Bài viết liên quan