Tiêu điểm

Cổ đông và nhà băng cùng hưởng lợi từ cổ tức bằng cổ phiếu


Các ngân hàng ồ ạt chi trả cổ tức bằng cổ phiếu trong bối cảnh cổ phiếu "vua" tăng mạnh trở lại, được cổ đông hồ hởi đón nhận. Hoạt động này cũng giúp ngân hàng tích lũy vốn tự có, cải thiện hệ số an toàn vốn và tăng khả năng mở rộng tín dụng.

Kết quả lợi nhuận tăng trưởng cao cùng nhu cầu tăng vốn liên tục là cơ sở để các ngân hàng đưa ra kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ cao gần đây.

Cơ hội hưởng lợi kép cho nhà đầu tư

Một loạt ngân hàng đã hoặc dự kiến chốt danh sách cổ đông vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2025 để trả cổ tức/cổ phiếu thưởng.

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vừa thông báo 18/7/2025 là ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ phiếu thưởng. Theo đó, ngân hàng sẽ thực hiện chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 14% (cổ đông sở hữu 100 cổ phần hiện hữu sẽ được nhận thêm 14 cổ phần mới). Số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 417 triệu cổ phiếu.

Trước đó, vào ngày 11/7 vừa qua, Nam A Bank đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, ngân hàng này sẽ phát hành thêm hơn 343,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 25% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu mới). Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ của Nam A Bank sẽ tăng thêm hơn 3.431 tỷ đồng.

-5798-1752570803.jpg

Ban lãnh đạo SHB cho biết sẵn sàng và tích cực triển khai chia cổ tức sớm nhất có thể tới cổ đông.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 30/6/2025 để phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (thưởng cổ phiếu). Với tỷ lệ 15%, dự kiến VietBank sẽ phát hành hơn 107 triệu cổ phiếu cho cổ đông.

Ngoài ra, vẫn còn 11 ngân hàng có kế hoạch trả cổ tức/thưởng trong năm 2025 là VietinBank, MB, BIDV, MSB, SHB, TPBank, Techcombank, PGBank, Saigonbank, VietABank và BacABank...

Theo giới phân tích thị trường, cổ phiếu ngân hàng đang trên đà tăng trưởng tốt, việc các ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ mang lại lợi ích cho các cổ đông. Đáng chú ý, nhiều cổ phiếu ngân hàng tư nhân trong giai đoạn này thực sự gây ấn tượng như NVB của NCB tăng 73% từ đầu năm 2025, VAB của VietABank tăng 63%, KLB của KienLongBank và SHB cùng tăng hơn 56%. Trong khi đó, các mã TCB của Techcombank, STB của Sacombank, MBB của MB lại ghi dấu về số lần phá kỷ lục giá: STB và MBB cùng với 23 lần, TCB với 17 lần.

Có nhiều lý do giải thích vì sao cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh: kết quả kinh doanh tích cực của các nhà băng trong những tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng ở mức cao, tạo sức hút với cổ phiếu ngân hàng... Cùng với đó, yếu tố thông tin dường như cũng ảnh hưởng phần nào đến diễn biến tăng mạnh ở nhiều cổ phiếu nhà băng trong thời gian qua, đó là kỳ vọng "room" tín dụng được dỡ bỏ hoàn toàn trong năm tới và Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đã được luật hóa.

Tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây của ACB, một cổ đông nêu ý kiến vì sao ngân hàng lại chia cổ tức tiền mặt đến 10%, trong khi có thể chia hết bằng cổ phiếu.

Giải đáp thắc mắc này, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB cho biết, trước khi quyết định chia tiền mặt hay cổ phiếu, ACB cũng đã cân nhắc làm sao cân bằng cho vốn của cổ đông tối ưu trong trung và dài hạn, chứ không phải chỉ trong 6 tháng.

Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu giúp ngân hàng gia tăng vốn điều lệ nhanh chóng, tiết kiệm chi phí hơn so với huy động từ thị trường.

Dưới góc nhìn dài hạn, đây là phương thức “gieo hạt” cho sự bền vững. Cổ đông dù không có dòng tiền ngay nhưng sở hữu nhiều cổ phần hơn và nếu ngân hàng tăng trưởng tốt thì cổ đông sẽ nhận được giá trị nhiều hơn.

Với thị giá cổ phiếu đa phần ngân hàng niêm yết đang ở mức dưới 30.000 đồng/cp, nhà đầu tư mua vào các cổ phiếu ngân hàng trong nửa đầu năm nay có cơ hội hưởng lợi kép gồm cổ tức và cơ hội tăng giá.

Nhà băng tăng khả năng mở rộng tín dụng

Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu trong giai đoạn này không chỉ mang lại lợi ích cho cổ đông, mà cả ngân hàng cũng hưởng lợi.

Việc các ngân hàng đồng loạt tăng vốn và chi trả cổ tức bằng cổ phiếu không chỉ nhằm củng cố năng lực tài chính mà còn cho thấy xu hướng đẩy mạnh mở rộng hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh các ngân hàng cần củng cố năng lực tài chính, đáp ứng chuẩn Basel II và mở rộng tín dụng.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xây dựng lộ trình tiến tới bỏ hạn mức tín dụng vào năm 2026, hướng đến điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường. Theo dự báo của các chuyên gia, ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao sẽ hưởng lợi trực tiếp khi không còn hạn mức tín dụng, nhờ dư địa cấp tín dụng lớn hơn, cải thiện lợi nhuận và NIM khi đẩy mạnh các khoản vay dài hạn.  Techcombank hiện có CAR khoảng 15%, VPBank 16%, HDBank 14%, trong khi các ngân hàng nhỏ như NCB chỉ quanh 8 - 9% sẽ cần tăng vốn hoặc phát hành trái phiếu cấp 2 để đáp ứng yêu cầu vốn, có thể gây áp lực pha loãng cổ phiếu.

Theo giới chuyên gia, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt giúp các ngân hàng tích lũy vốn tự có, cải thiện CAR và tăng khả năng mở rộng tín dụng.

Việc ngân hàng tăng mạnh vốn là rất cần thiết, nhất là khi NHNN vừa công bố dự thảo thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Dự thảo được xây dựng theo hướng CAR tăng lên mức 10,5% (bắt đầu nâng dần từ năm 2030 và đạt mức 10,5% vào năm 2033), trong đó đảm bảo vốn cấp 1 tối thiểu là 6%, vốn lõi cấp 1 là 4,5%, tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là 8%, vốn đệm bảo toàn vốn là 2,5%. Trường hợp ngân hàng không đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% sẽ không được chia cổ tức tiền mặt.

Như vậy, ngoài đảm bảo quy định về CAR, tăng vốn điều lệ là yếu tố tiên quyết giúp ngân hàng gia tăng nguồn vốn trung - dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng trưởng tín dụng.

Tại 4 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank, chỉ có Agribank là do Nhà nước sở hữu 100%, tăng vốn qua nguồn lợi nhuận được giữ lại. Ba ngân hàng còn lại gồm Vietcombank, BIDV và VietinBank đã niêm yết trên sàn chứng khoán, việc phát hành cổ phiếu chia cổ tức gần như là phương án tăng vốn duy nhất của các ngân hàng này, do phải duy trì tỷ lệ sở hữu Nhà nước ở mức tối thiểu.

Vốn điều lệ được xem là "tấm đệm dự phòng rủi ro", một cấu phần đánh giá chỉ tiêu về an toàn hoạt động, đặc biệt là CAR. Những năm gần đây, vốn điều lệ của các ngân hàng quốc doanh dần bị các nhà băng tư nhân vượt qua. CAR của nhóm ngân hàng quốc doanh cũng thường thấp hơn so với mặt bằng, do thiếu quyền chủ động trong việc tăng vốn.

Thanh Hoa

Tác giả: Cơ hội hưởng lợi kép cho nhà đầu tư