Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm công nghiệp chế biến, chế tạo
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính từ đầu năm đến hết ngày 31/8, Việt Nam đã thu hút được 2.247 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 12 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 27% về số vốn đăng ký.
8 tháng, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo thu hút được 13,61 tỷ USD vốn FDI (Ảnh: ST) |
Đặc biệt, trong số gần 12 tỷ USD vốn FDI của các dự án mới được cấp phép vào Việt Nam thì có tới 8,53 tỷ USD vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 71,1% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới. Trong khi đó, vốn FDI tập trung vào lĩnh vực bất động sản xếp thứ 2, đạt 2,40 tỷ USD, chiếm 20% tổng vốn FDI mới vào Việt Nam và các ngành còn lại chiếm 1,07%, chiếm 8,9%.
Bên cạnh vốn FDI đăng ký mới, 8 tháng cả nước có 926 lượt dự án FDI đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 5,71 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 13,61 tỷ USD, chiếm 76,8% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,55 tỷ USD, chiếm 14,4%; các ngành còn lại đạt 1,56 tỷ USD, chiếm 8,8%.
Thông tin từ cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 ước đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của tám tháng trong 5 năm qua. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 11,28 tỷ USD, chiếm 79,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện.
Không chỉ riêng những tháng đầu năm 2024, theo ghi nhận của phóng viên từ các báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, từ nhiều năm nay, công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tính lũy kế đến tháng 6/2024, cả nước có 40.544 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 484,77 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt khoảng 308 tỷ USD, bằng 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 294,2 tỷ USD, chiếm 60,7% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.
FDI tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ giúp nâng giá trị gia tăng mà các doanh nghiệp FDI tạo ra ở Việt Nam (Ảnh: KL) |
Tín hiệu tích cực cho công nghiệp và nền kinh tế
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương mới đây, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá: Việc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp Việt Nam nói riêng, FDI tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ giúp nâng giá trị gia tăng mà các doanh nghiệp FDI tạo ra ở Việt Nam.
“Ở Việt Nam, tỷ lệ xuất khẩu hàng nguyên, vật liệu khá lớn, nếu có thêm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thì tỷ lệ gia tăng được tạo ra ở Việt Nam sẽ tăng lên, tạo ra nhiều công ăn việc làm và đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của Việt Nam” – TS Lê Đăng Doanh thông tin.
Đặc biệt theo TS Lê Đăng Doanh, Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là những mặt hàng nông – lâm – thủy sản đa phần là xuất khẩu thô, ít có những sản phẩm được chế biến sâu, nên giá trị gia tăng không cao. Các dự án FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến sẽ hỗ trợ Việt Nam khắc phục được những hạn chế này, hơn nữa, nếu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có thể kết hợp được với các doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc thì có thể giúp Việt Nam gia tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản, vì đây là những quốc gia có lợi thế trong chế biến nông sản.
Cũng đánh giá cao dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam thời gian qua, ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài lại cho rằng: Đây là một tín hiệu tốt, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp của Việt Nam, đồng thời hiện thực hoá mục tiêu trở thành thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hàng Trung ương Đảng khoá XIII xác định.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Văn Toàn, để dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thực sự phát huy hiệu quả, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần khắt khe hơn trong lựa chọn dòng vốn FDI, tập trung thu hút các dự án FDI có chất lượng, có sức lan tỏa, hạn chế các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là mục tiêu được Bộ Chính trị đưa ra tại Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 là: Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...