Tiêu điểm

Cổ phiếu bán lẻ đang ‘rục rịch’ trở lại


Trước kỳ vọng kết quả kinh doanh cũng như giá cổ phiếu đã tạo đáy, nhóm cổ phiếu bán lẻ đang ghi nhận sự khởi sắc trở lại. Dù vậy, một số ý kiến cho rằng, nhà đầu tư nên thận trọng trong bối cảnh kinh tế suy thoái vẫn khiến tình hình ngành kém sắc, sức tiêu thụ không thể phục hồi nhanh do nhu cầu tiêu dùng vẫn còn nhiều áp lực...

Theo quan sát của VnBusiness, từ khoảng cuối tháng 5 đến nay, dù không rầm rộ như bộ ba “ngân hàng – chứng khoán – thép”, nhưng nhiều cổ phiếu bán lẻ vẫn có mức tăng khá cao. Chẳng hạn, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động tăng 13,1%; cổ phiếu FRT của FPT Retail tăng 14,4%; cổ phiếu PET của Dịch vụ tổng hợp dầu khí tăng 15,2%; cổ phiếu MSN của Masan tăng 11%.

'Ngôi sao' sáng 

Đáng chú ý, trong phiên 13/6 vừa qua, trong bối cảnh chỉ số VN-Index đã gặp áp lực bán lớn tại những vùng điểm cao, nhóm cổ phiếu bán lẻ đã trở thành một trong những ngôi sao sáng nhất khi nhiều mã đồng loạt tăng mạnh, thậm chí có mã còn tăng kịch trần.

-2111-1686649160.jpg

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, thị giá DGW đã bứt tốc gần 43%. 

Điển hình, cổ phiếu FRT ghi nhận tăng điểm xuyên suốt phiên và đóng cửa tại mức giá kịch khung (+6,9%) lên 62.100 đồng/cp – mức giá cao nhất kể từ trung tuần tháng 3, đi kèm với thanh khoản tăng vọt gần 3 triệu đơn vị.

Cũng tăng lên mức kịch trần, cổ phiếu DGW dừng ở mức 41.000 đồng/cp. Tính từ thời điểm đầu tháng 4 tới nay, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, thị giá DGW đã bứt tốc gần 43%, thanh khoản giao dịch cũng được cải thiện đáng kể.

Một số cổ phiếu bán lẻ khác cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, như: cổ phiếu MWG tăng 3,9%, đóng cửa tại mức giá cao nhất phiên 43.000 đồng/cp, tương đương tăng gần 15% chỉ sau khoảng 2 tuần giao dịch.

Tương tự, cổ phiếu PET cũng tăng mạnh lên mức 28.050 đồng/cp, MSN tăng 2,5% lên 78.400 đồng/cp, còn PNJ tăng 0,7% lên 72.500 đồng/cp.

Nhìn chung, thị trường khá tích cực với dòng tiền luân chuyển len lỏi qua từng nhóm cổ phiếu, giúp cổ phiếu nhiều nhóm ngành hồi phục. Đối với riêng nhóm cổ phiếu bán lẻ, chuyên gia cho rằng, dòng tiền tìm đến nhóm ngành này trước kỳ vọng kết quả kinh doanh cũng như giá cổ phiếu đã tạo đáy.

Thực tế, nền kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm nay gặp khó khăn, người dân phải cắt giảm chi tiêu khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ giảm hiệu quả kinh doanh, mất đà tăng tốc. Điều này được thể hiện rõ ngay trong kết quả kinh doanh quý I/2023.

Trong đó, lợi nhuận quý đầu năm của 2 “ông lớn” là Thế giới di động và FPT Retail đều giảm mạnh trên 90% bởi sức mua các mặt hàng công nghệ sụt giảm nghiêm trọng.

Hết quý I/2023, Thế giới di động mới chỉ hoàn thành 0,5% kế hoạch lợi nhuận năm với lợi nhuận đạt 21,28 tỷ đồng, giảm 98,5% so với cùng kỳ năm trước. FPT Retail cũng không khá hơn khi lợi nhuận chỉ đạt 2 tỷ đồng, giảm 99% so với cùng kỳ và chỉ mới thực hiện được 8,3% kế hoạch năm đặt ra.

Digiworld - “ông trùm” bán lẻ trong ngành điện máy và điện thoại, cũng nhìn thấy lợi nhuận bị bóp nghẹt trong quý I/2023. Lãi ròng quý đầu năm 2023 của Digiworld chỉ đạt gần 80 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ.

2024 mới thực sự khởi sắc trở lại?

Nhìn chung, sau giai đoạn khó khăn vừa qua, những tín hiệu gần đây cho thấy ngành bán lẻ hàng hóa tiêu dùng đang có xu hướng khởi sắc trở lại.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 5 tháng vừa qua ước đạt 2.527,1 nghìn tỉ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ năm 2015 trở lại đây. Mặt khác, hàng loạt chính sách về thuế, cho vay tiêu dùng được ban hành sẽ thúc đẩy hơn nữa tiêu dùng tăng trưởng.

Cuối tháng 4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ thống nhất chủ trương với kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.

Cũng trong tháng 4, Bộ Tài chính đã đề xuất tiếp tục chính sách giảm 2% thuế VAT năm 2023. Thời gian thực hiện dự kiến 1/7 đến hết ngày 31/12/2023. Trong phiên họp tổ và toàn thể tại Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chính sách này, một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi, đối tượng được giảm thuế VAT theo hướng giảm 2% đối với tất cả các nhóm hàng đang áp dụng mức thuế 10% theo quy định của Luật thuế VAT. Đáng chú ý, có ý kiến đề nghị cân nhắc giảm 4% để khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu, mức giảm 2% có thể không đạt được mục tiêu đề ra khi ban hành chính sách.

Không chỉ vậy, lãi suất cho vay có xu hướng giảm trong thời gian qua khi Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần liên tiếp kể từ trung tuần tháng 3 hạ lãi suất điều hành.

“Các gói hỗ trợ lãi suất, hoãn thanh toán thuế thu nhập và tiền thuê đất, giảm thuế VAT... sẽ là bệ đỡ cho tăng trưởng GDP quý 2 cũng như nhóm bán lẻ sẽ được hưởng lợi. Ngoài ra, hạ lãi suất cho vay còn giúp giảm áp lực vay nợ của các doanh nghiệp ngành bán lẻ”, Chứng khoán ABS kỳ vọng.

Tuy nhiên, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, vẫn nên thận trọng khi bối cảnh kinh tế suy thoái khiến tình hình ngành kém sắc, sức tiêu thụ không thể phục hồi nhanh do nhu cầu tiêu dùng vẫn còn gặp nhiều áp lực. Theo đó, các mặt hàng thiết yếu và những mặt hàng không thiết yếu đắt tiền vẫn sẽ bán tốt, ngược lại các sản phẩm không thiết yếu ở phân khúc trung cấp, đặc biệt là các thiết bị công nghệ vốn được hưởng lợi từ nhu cầu bị dồn nén, có thể bị suy giảm tiêu thụ nặng nề nhất năm 2023.

“Nền kinh tế chỉ có thể phục hồi mạnh mẽ hơn vào năm 2024 khi các đơn đặt hàng bắt đầu có trở lại và thu nhập của người lao động được cải thiện”, VDSC nhận định.

Đánh giá riêng về Thế giới Di động, trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo lợi nhuận ròng trong năm 2023 sẽ giảm mạnh 70% so với năm ngoái, xuống còn 1.231 tỷ đồng.

Với kỳ vọng bối cảnh vĩ mô và tâm lý người tiêu dùng cải thiện, BVSC kỳ vọng kết quả kinh doanh của Thế giới Di Động sẽ phục hồi đáng kể sau khi kết thúc năm 2023 nhiều thách thức, dự báo lợi nhuận ròng năm 2024 và năm 2025 sẽ lần lượt đạt 2.857 tỷ đồng và 3.839 tỷ đồng; về mức tương đương năm 2019 nhưng vẫn thấp hơn mức đỉnh giai đoạn 2021 - 2022.

Hải Giang

Tác giả: Hải Giang
Bài viết liên quan