Tiêu điểm

Đà Nẵng tìm giải pháp khai thác kinh tế về đêm?


Đà Nẵng là thành phố du lịch thu hút lượng lớn du khách trong nước và quốc tế bởi cảnh quan thiên nhiên cùng nhiều loại hình du lịch đa dạng. Song mức chi tiêu và doanh thu mang lại từ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, vì vậy, thành phố đang nghĩ tới một giải pháp khai thác kinh tế về đêm.      

Từ năm 2015 đến nay, Đà Nẵng được vinh danh với nhiều danh hiệu, giải thưởng uy tín. Cùng với các lợi thế về cảng biển, sân bay quốc tế, cửa ngõ di sản thế giới ở miền Trung, các bãi tắm đẹp và hệ thống nhà hàng, khách sạn, resort sang trọng, Đà Nẵng đã và đang trở thành điểm đến an toàn và thân thiện, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Tuy nhiên, theo thống kê 9 tháng đầu năm 2019, mức chi tiêu bình quân giảm (từ 5,22 triệu đồng xuống còn 4,652 triệu đồng); ngày lưu trú bình quân cũng giảm (từ 3 ngày xuống còn 2,7 ngày), doanh thu của các dịch vụ lưu trú và lữ hành thấp.

bai toan nao cho phat huy hieu qua khai thac kinh te ve dem da nang

Đà Nẵng đang tìm lời giải cho kinh tế về đêm

Nguyên nhân được đặt ra là, sau 24 giờ, hầu hết các dịch vụ đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách ở TP. Đà Nẵng đều phải chấm dứt hoạt động. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ có sử dụng âm nhạc (bar, pub, karaoke...) hoạt động đến 24h00 theo quy định, chưa có các khu vực ăn uống, giải trí ở khung thời gian sau 24h. Du khách, đặc biệt là khách quốc tế có thói quen giải trí về đêm khó tìm ra địa điểm dịch vụ vui chơi khiến cho thành phố du lịch Đà Nẵng đánh mất nguồn thu lớn từ kinh tế.

Ông Đỗ Ngọc Thi Ca, Giám đốc Công ty DHTC Đà Nẵng, đơn vị được UBND TP. Đà Nẵng giao quản lý chợ đêm Sơn Trà cho biết, có 190 kiốt kinh doanh tại chợ đêm, trung bình mỗi đêm các ki ốt thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng, lúc cao điểm chợ đêm Sơn Trà đón gần 10.000 lượt khách/1 đêm. “Nếu thống kê lại thì chợ đêm Sơn Trà có nguồn thu không nhỏ, đặc biệt là từ khách du lịch. Tuy nhiên, sự hạn chế về thời gian hoạt động chỉ tới 24 giờ đêm đã ảnh hưởng đến nguồn thu này. Nhiều đoàn khách từ Hàn Quốc, Trung Quốc đáp chuyến bay đến Đà Nẵng vào lúc 22 giờ đêm, sau đó họ tìm đến chợ đêm nhưng phải trở về khách sạn vì các kiốt không còn phục vụ nữa. Cũng có trường hợp các chủ kiốt bán quá 12 giờ đêm, mình biết nhưng chỉ nhắc nhở, vì không thể đuổi khách về”, ông Ca nói.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP. Đà Nẵng - cho rằng, việc phát triển các điểm vui chơi, giải trí về đêm của Đà Nẵng gặp nhiều mâu thuẫn. “Du khách đến du lịch muốn có nhiều sản phẩm, dịch vụ về đêm để vui chơi, nhưng các khu vui chơi này lại nằm gần khu dân cư, nên ảnh hưởng đến đời sống trong khu phố. Ví dụ như trên tuyến đường Bạch Đằng, người dân sống trên tuyến đường này đã gửi đơn thư phản ánh tình trạng các quán bar, pub gây ồn ào”, ông Hùng nói.

Theo báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng, giai đoạn 2015-2019, tốc độ tăng trưởng bình quân khách tham quan du lịch Đà Nẵng ước đạt 17,88%. Năm 2019, tổng lượng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng ước đạt 8,69 triệu lượt, tăng 85,7% so với năm 2015; tổng thu du lịch ước đạt 30.973 tỷ đồng, tăng 141,6% so với năm 2015.

bai toan nao cho phat huy hieu qua khai thac kinh te ve dem da nang
Sở Du lịch TP. Đà Nẵng đang nâng cấp các sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố, nhất là dịch vụ giải trí về đêm

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng - cho rằng, nếu so với các điểm đến nổi tiếng tại Đông Nam Á như Thái Lan hay Indonesia thì Đà Nẵng có nhiều lợi thế cạnh tranh như bãi biển đẹp, cảnh quan thơ mộng. Đà Nẵng cũng có nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác như danh thắng Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà, Bà Nà Hills, Cầu Vàng, công viên châu Á, công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, khu phức hợp vui chơi giải trí trong nhà Helio, phố du lịch An Thượng…

“Đà Nẵng không phải thiếu chợ đêm hay các tuyến phố chuyên doanh. Cái Đà Nẵng thiếu bây giờ là những trung tâm thương mại lớn, những bến du thuyền hiện đại, các cửa hàng miễn thuế, những shop biểu diễn nghệ thuật đẳng cấp và những điểm vui chơi giải trí tập trung quy mô lớn. Đà Nẵng cần hướng đến thu hút những du khách hạng sang. Muốn như vậy thì cần phải có những sản phẩm đẳng cấp mới đủ sức khiến du khách tăng chi tiêu”, ông Dũng nói.

Đại diện Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, thành phố đang hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch lớn như dự án công viên chuyên đề khu công viên Bắc Tượng Đài, Công viên Đại Dương, Tổ hợp pháo hoa, Phố đêm Nhật Bản; Làng ẩm thực quốc tế Cẩm Lệ... để tạo thêm các sản phẩm du lịch mới đặc sắc, qui mô lớn ngang tầm các khu vui chơi nổi tiếng trên thế giới. Đà Nẵng cũng nghiên cứu đề xuất cho phép áp dụng cơ chế thí điểm phát triển kinh tế về đêm trong hoạt động du lịch đối với 3 nhóm dịch vụ chính: dịch vụ ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí và dịch vụ mua sắm; Phê duyệt và công bố quy hoạch cảnh quan 2 bên bờ sông Hàn và 2 tuyến đường biển Trường Sa - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa và Nguyễn Tất Thành để thu hút đầu tư hình thành các dịch vụ vui chơi giải trí, điểm dừng chân; Đề xuất ưu tiên quy hoạch dành quỹ đất kêu gọi đầu tư các cụm dịch vụ vui chơi giải trí về đêm, trung tâm mua sắm xa khu dân cư; Thu hút đầu tư tàu thủy lưu trú du lịch tiêu chuẩn 4-5 sao. ..

Tuy nhiên để biến những tài nguyên du lịch phong phú trở thành điểm đến của khách du lịch hạng sang, Thành phố cần có những giải pháp cơ chế phù hợp, hiệu quả thu hút nguồn lợi từ kinh tế đêm trong hoạt động du lịch từ đó mang lại thu nhập cao cho những người hoạt động trong lĩnh vực này, đem lại nguồn thu ngân sách, giúp Đà Nẵng trở thành một thành phố du lịch “không ngủ”, là địa chỉ đỏ thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Thành Long

Tags: Đà Nẵng
Tác giả: Thành Long
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật