Sáng 22/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe các Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long |
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh sự cần thiết ban hành nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế; sửa đổi, bổ sung để điều tiết tiêu dùng phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe của nhân dân, bảo vệ môi trường.
Đồng thời đáp ứng những yêu cầu từ thực tiễn phát sinh, tạo môi trường pháp luật thống nhất và đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành; phù hợp với xu hướng cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt của các nước.
Trong đó, về đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đã sửa đổi, quy định các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để đồng bộ với pháp luật chuyên ngành; sửa đổi, quy định hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Về đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, sửa đổi quy định hàng hóa do tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, thuê gia công trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài hoặc bán, ủy thác cho tổ chức, cá nhân kinh doanh khác để xuất khẩu ra nước ngoài thuộc đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để đảm bảo minh bạch chính sách. Đồng thời, sửa đổi quy định hàng hóa nhập khẩu không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để xử lý những bất cập phát sinh trong thực tế và đồng bộ với pháp luật chuyên ngành...
Về người nộp thuế, sửa đổi, bổ sung quy định về người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt là tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để bao quát các trường hợp. Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung đồng bộ các quy định tại Luật về “cơ sở” sản xuất/nhập khẩu/kinh doanh/sản xuất kinh doanh thành “tổ chức, cá nhân” sản xuất/nhập khẩu/kinh doanh/sản xuất kinh doanh để thống nhất, đồng bộ về khái niệm.
Đáng chú ý, theo Tờ trình, đối với mặt hàng rượu, bia: Quy định thuế suất theo tỷ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) như sau: Đối với mặt hàng rượu từ 20 độ trở lên: Phương án 1: Tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030; Phương án 2: Tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
Đối với mặt hàng rượu dưới 20 độ: Phương án 1: Tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 40%, 45%, 50%, 55%, 60% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030; Phương án 2: Tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 50%, 55%, 60%, 65%, 70% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
Đối với mặt hàng bia: Phương án 1: Tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030; Phương án 2: Tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho hay, Chính phủ nghiêng về phương án 2. Bởi vì, theo phương án 2, giá bán năm 2026 sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2025 và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
Với phương án 2 sẽ có tác dụng giảm khả năng chi trả đối với các sản phẩm rượu, bia mạnh hơn, tác động tốt hơn trong việc giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia và giảm các tác hại liên quan do việc lạm dụng rượu, bia gây ra.
Đối với mặt hàng thuốc lá theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, dự thảo đề xuất giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để góp phần đạt mục tiêu giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36% trong giai đoạn 2026 - 2030 theo Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá và hướng tới đạt tỉ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá theo khuyến nghị của WHO (75%).
Bên cạnh đó, bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của WHO, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc và Bộ Y tế.
Dự thảo bổ sung quy định “xe ô tô chở người, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ không đăng ký lưu hành, không tham gia giao thông và chỉ chạy trong khu di tích lịch sử, bệnh viện, trường học” và “xe ô tô chuyên dụng khác theo quy định của Chính phủ” vào đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện.