Báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) của S&P Global được đưa ra vào ngày 1/2 cho thấy, ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục đối mặt với các điều kiện kinh doanh khó khăn trong tháng 1/2023. Theo đó, PMI đạt 47,4 điểm, tăng so với mức 46,4 điểm trong tháng 12/2022 nhưng vẫn thể hiện rõ “sức khỏe” ngành sản xuất suy giảm mạnh.
Cầm cự, chờ hồi phục
Theo S&P Global, số lượng đơn đặt hàng mới giảm thường là nguyên nhân dẫn đến giảm sản lượng. Cụ thể, tháng 1/2023 là tháng thứ 3 liên tiếp ghi nhận tổng số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Còn theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước tháng 1/2023 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3% so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.
![]() |
Nhiều ngành sản xuất đã trải qua giai đoạn chật vật trong tháng đầu tiên của năm 2023 và dự báo sẽ còn đối mặt nhiều khó khăn trong các tháng tới. |
Trước khó khăn của ngành sản xuất như hiện nay, trao đổi với VnBusiness, nhiều chủ doanh nghiệp (DN) bày tỏ mong muốn có sự “tiếp sức” từ các cơ quan quản lý để giúp DN duy trì hoạt động khi mà theo dự báo tình trạng này có thể sẽ kéo dài đến hết quý II/2023. Nhất là nên tiếp tục có những chính sách hỗ trợ về vốn vay, cũng như giảm, giãn thuế và đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục.
Đứng ở góc độ của một DN trong ngành nông sản thực phẩm, trước bối cảnh khó khăn chung, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc CTCP Phúc Sinh cho rằng, rất cần sự mạnh mẽ, lâu dài hơn của Nhà nước trong khâu chính sách hỗ trợ, xử lý các thủ tục rườm rà thì các DN mới phát triển được.
Bên cạnh đó, ông Thông lưu ý truyền thông cũng phải tốt hơn cho vấn đề về các chính sách. Đây là điều quan trọng cho DN khi vẫn còn những hạn chế trong việc này.
“Ngoài khâu chính sách, trước nhiều vấn đề khó khăn như về thị trường, nguồn nguyên liệu, người lao động…, tôi nghĩ rằng các DN cũng nên chủ động hơn thay vì đợi chờ một điều gì đó. Và quan điểm của tôi là các DN cần cải tổ hệ thống của mình”, ông Thông chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc một DN trong ngành thực phẩm, bản thân DN đang chấp nhận đối mặt với khó khăn và cầm cự để chờ thị trường hồi phục. Tuy nhiên, ông vẫn mong khâu chính sách tiếp tục giúp các DN “vượt bão”, nhất là cần tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết nhanh các hồ sơ thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu và hỗ trợ khai thác thị trường.
Ông Tuấn cho rằng, các DN đang cần hỗ trợ tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại để có nhiều cơ hội tiếp cận với khách hàng. Đồng thời, các DN cũng mong được ưu tiên hỗ trợ thủ tục, mặt bằng, hỗ trợ được vào các chương trình bình ổn giá, cũng như giúp vay vốn với lãi suất ưu đãi khi tham gia các chương trình…
Mong hỗ trợ khai thác thị trường
Ở góc độ quản lý, để đảm bảo lợi ích cho các DN giữa nhiều khó khăn, trong cuộc họp giao ban mới đây với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu phía Thương vụ cần chủ động nắm bắt các chủ trương, chính sách mới của các nước sở tại, nhất là những rào cản kỹ thuật mới, để kịp thời tham mưu những chính sách hợp lý.
Ông Diên lưu ý đến việc tiếp tục làm tốt công tác thu thập thông tin, kết nối thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Việt Nam và các châu lục, các quốc gia, giữa các DN. Để từ đó giúp DN trong nước có những điều chỉnh kịp thời chiến lược cũng như các kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Ngoài ra, trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó như hiện tại, nhiều DN cũng chuyển hướng, quay trở lại thị trường nội địa với quy mô 100 triệu dân, được xem là “miếng bánh” hấp dẫn để các DN khai thác. Thế nhưng, việc chuyển hướng này cũng không hề dễ dàng khi các DN Việt đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ những sản phẩm ngoại nhập giá rẻ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, khâu chính sách cần thay đổi để người tiêu dùng ở thị trường nội địa vốn có tâm lý chuộng hàng ngoại phải có suy nghĩ nên dùng hàng Việt. Để làm được điều này thì những DN vốn lâu nay chỉ chăm chăm xuất khẩu cũng cần có sự đầu tư thích đáng cho những sản phẩm, phải giảm giá, sản xuất thêm các mặt hàng phù hợp để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập giá rẻ trên “sân nhà”.
Trong khi đó, vì muốn giảm giá để bán được hàng hoá ở thị trường nội địa, một số DN đã không giữ được sản phẩm giá trị cốt lõi của mình như xuất khẩu lâu nay. Chưa kể, để đưa hàng vào siêu thị “sân nhà” thì DN còn gặp vướng mắc ở khâu thủ tục, các loại phí không tên, giá cả…
Trên thực tế, theo giới chuyên gia, việc chuyển hướng vào thị trường nội địa chỉ phù hợp với những DN có kinh nghiệm vừa bán trong nước vừa xuất khẩu. Còn ở một số lĩnh vực mà DN chỉ chuyên về xuất khẩu, khi muốn chuyển hướng là phải chấp nhận mất nhiều thời gian để chinh phục người tiêu dùng nội địa.
Nói chung, để giải quyết những khó khăn trước mắt, các DN đang cần hỗ trợ để tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước lẫn ngoài nước. Cho nên, để “tiếp sức” cho DN khai thác thị trường thì rất cần tạo thêm những cơ chế, chính sách, giúp họ vượt khó trong thời gian tới.
Thế Vinh