Còn bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) giãi bày: “Với lãi suất cho vay trên 10% như hiện nay thì để tồn tại và duy trì hoạt động doanh nghiệp cũng đã rất áp lực, cố gắng cân đối để đảm bảo tốt công ăn việc làm cho người lao động, chứ chưa nghĩ đến kinh doanh có lãi”.
Doanh nghiệp "tố" lãi suất cao
Đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại đăng ký tham gia Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp của TP.HCM cho vay với tổng số tiền hơn 300.000 tỷ đồng, mức lãi suất cho vay từ 7%-11%/năm. Nhưng theo một số doanh nghiệp, thực tế doanh nghiệp không tiếp cận được. Lãi suất vay hiện ở mức 14%-15%/năm chắc chắn khó cho doanh nghiệp nhưng càng khó hơn khi doanh nghiệp chấp nhận lãi suất cao mà vẫn không tiếp cận được vốn tín dụng, thậm chí phải xoay xở vay "nóng" bên ngoài.
![]() |
Doanh nghiệp đang rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Thực tế, tại báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất của Công ty Chứng khoán SSI cũng cho thấy mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng đã có điều chỉnh giảm tại một số ngân hàng trong thời gian qua, dù mức độ giảm không đáng kể - chỉ khoảng 0,5 điểm %. Trong khi lãi suất cho vay không có nhiều thay đổi - vẫn ở mức trung bình khoảng 12%-16%/năm.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA), cho biết cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Đáng chú ý là doanh nghiệp đang rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay. Ngay cả khi tiếp cận được thì doanh nghiệp cũng không dám vay vì lãi suất tăng cao. Chính sách hỗ trợ lãi vay 2% ít khả thi, khó thực hiện, vì một số doanh nghiệp lo ngại về thủ tục giấy tờ và thanh kiểm tra.
Theo các doanh nghiệp, một công ty sản xuất chỉ thu được lãi 10-15%/năm, chưa kể chi phí đầu tư trang thiết bị và hàng loạt các chi phí đầu vào khác đang tăng đáng kể như điện, nước, nguyên nhiên liệu… càng gây áp lực cho các doanh nghiệp. “Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp phải đi vay với lãi suất hơn 15%/năm, thậm chí đến gần 20%/năm như thời gian qua thì không thể tồn tại”, lãnh đạo Nệm Vạn Thành bộc bạch.
16 ngân hàng thương mại tại TPHCM đã ký cam kết cho 64 doanh nghiệp vay 11.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn 7%/năm và trung, dài hạn 10%/năm.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đề nghị các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi hạ suất cho vay về mức hợp lý hơn. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng; cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp...
Lãi suất sẽ giảm nhanh?
Trước những phản ánh này, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, vốn và lãi suất là hai vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp mà ông có dịp tiếp xúc từ cuối năm ngoái đến nay. Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM đặt vấn đề với ngành ngân hàng nghiên cứu để có chính sách cho vay với lãi suất phù hợp trong điều kiện hiện nay, nhất là đối với các ngành ưu đãi.
Chia sẻ với doanh nghiệp, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho rằng lãi suất cho vay đang giảm nhanh hơn lãi suất huy động. Ông khẳng định trong thời gian tới, lãi suất sẽ xuống dần theo diễn biến thị trường trong nước và quốc tế.
Đại diện ngân hàng ACB cho biết, đơn vị này đã chính thức triển khai gói ưu đãi lãi suất vay quy mô 20.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp, cá nhân vay mới với mức ưu đãi giảm tối đa 3%/năm lãi vay so với biểu lãi suất hiện hành. Trong đó, riêng địa bàn TPHCM, ACB dành 2.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.
Tương tự, đại diện Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng thông tin, ngân hàng đang triển khai gói tín dụng 25.000 tỷ đồng để hỗ trợ các khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp hơn lãi suất hiên hành từ 1,5-2%.
Chia sẻ thêm về vấn đề lãi suất, theo đại diện OCB, lãi suất cao là rủi ro lớn với ngân hàng. Bởi chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng cao dẫn đến khả năng nợ xấu, mà đây là nỗi ám ảnh lớn nhất của ngành ngân hàng. "Cứ tin tôi đi, trong vòng vài tuần tới, lãi suất sẽ giảm cực nhanh", lãnh đạo OCB nhấn mạnh.
Về phía các ngân hàng thương mại trên địa bàn, ông Phan Văn Mãi đề nghị việc triển khai chính sách phải minh bạch thông tin và cập nhật thường xuyên điều kiện vay vốn, các thủ tục doanh nghiệp cần đáp ứng thông qua các hiệp hội.
Về phần các doanh nghiệp, cần trao đổi thẳng thắn với ngân hàng; doanh nghiệp tự sắp xếp tái cơ cấu làm sao sử dụng vốn cho hiệu quả. Các hội ngành nghề tổng hợp thông tin phản ánh kịp thời đến các cơ quan ban ngành và thành phố để cùng trao đổi với nhau.
Huyền Anh