Tiêu điểm

Khó khăn vẫn đeo bám doanh nghiệp ngành xây dựng


Những tưởng đầu tư công được đẩy mạnh có thể trở thành “cú hích” cho lĩnh vực xây dựng năm 2022, tuy nhiên khó khăn về dòng vốn, chi phí, giá cả leo thang, thiếu nguồn nhân lực… đang tạo sức ép lớn đến các doanh nghiệp trong ngành.

Thăm dò của Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho thấy những biến động về giá đầu vào như nguyên vật liệu, chi phí huy động và thuê nhân công tăng mạnh… tiếp tục trở thành gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp và nhà thầu, buộc nhiều đơn vị phải chuyển từ tăng tốc sang “phòng thủ”.

Vẫn nặng gánh chi phí

Giữa tuần trước, trong một bài viết Vnbusiness nhận định tham vọng ra nước ngoài của Hòa Bình Group đến nay vẫn đứng trước nhiều thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, giá vật liệu xây dựng tăng mạnh vì nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và căng thẳng Nga - Ukraine.

Đặc biệt, phân tích Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 cho thấy nội lực tài chính của một trong những “đại gia” hùng mạnh nhất ngành xây dựng đang gặp khó khăn khi vốn chủ sở hữu giảm nhưng nợ phải trả tăng mạnh và dòng tiền âm nặng.

Cụ thể, Hòa Bình Group ghi nhận mức doanh thu 3.778 tỷ đồng, tăng 80,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt 282 tỷ đồng, tăng 145%. Doanh thu hoạt động tài chính của Hòa Bình Group tăng 142% lên 34 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chi phí lãi vay của công ty tăng 64,7% lên mức gần 122,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 4,4 lần so với cùng kỳ lên mức 153,4 tỷ đồng.

Kết quả, lũy kế 9 tháng đầu năm của đơn vị đạt 10.905 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 16% xuống mức 61 tỷ đồng. Lãi ròng công ty mẹ đạt 63 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoài. Kết thúc quý 3, dòng tiền thuần của Hòa Bình Group vẫn âm gần 150 tỷ đồng.

-3228-1668763370.jpg

Nhiều khó khăn đang tạo sức ép lớn lên các doanh nghiệp ngành xây dựng trong năm 2022.

Một trong những đối thủ lớn nhất của Hòa Bình là Coteccons cũng gặp tình cảnh tương tự khi gánh nặng chi phí tác động lớn đến lợi nhuận.

Cụ thể, về hoạt động kinh doanh, Coteccons vẫn ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng 25,5% lên trên 8.300 tỷ đồng và có lãi tăng 16% lên 315 tỷ đồng. Tính riêng quý III, doanh thu tăng 191% và lãi gộp tăng 96% so với cùng kỳ.

Nhìn vào con số doanh thu và lãi gộp của ông lớn này có thể dễ dàng nhận thấy “độ vênh” không nhỏ. Và theo lý giải của đại diện công ty, mức tăng không tương ứng này chủ yếu đến từ các khoản chi phí đầu vào như nhân công, vật liệu, chi phí huy động… liên tục đội lên cao.

Tìm giải pháp “gỡ khó”

Cùng với các “đại gia” đầu ngành, không ít doanh nghiệp xây dựng tầm trung cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì gánh nặng chi phí. Đơn cử, tại Thái Nguyên, công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải hiện đang thi công ba dự án sử dụng vốn đầu tư công, tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng, trong đó hai khu tái định cư phải hoàn thành vào cuối năm 2022.

Ông Hoàng Hữu Sơn, Chủ tịch công ty Hoàng Hải, cho hay khó khăn lớn nhất hiện tại là giá vật liệu đầu vào tăng quá cao. Cụ thể, các dự án của công ty đang cần lượng đất san lấp rất lớn. Khi đấu thầu, giá đất đắp tại công trình là 70 nghìn đồng/m3, nhưng thực tế hiện nay là 110 nghìn đồng/m3.

“Cứ 10 phút, trung bình một ô-tô chở 20m3 đất vào công trình, chúng tôi lỗ 800 nghìn đồng. Chưa kể, giá thép khi đấu thầu là 14 triệu đồng/tấn, nay lên 18 triệu đồng/tấn, cát 220 nghìn đồng/m3, nay lên gần 300 nghìn đồng/m3; xăng là 23 nghìn đồng/lít, nay là hơn 26 nghìn đồng/lít, có thời điểm lên hơn 30 nghìn đồng/lít... Trong khi đó, tiến độ công trình thì không thể dừng lại, nếu dừng chúng tôi vi phạm hợp đồng nên càng làm càng lỗ”, ông Sơn chia sẻ.

Thực tế, khó khăn của doanh nghiệp xây dựng đã kéo dài nhiều tháng qua. Thông tin từ VACC cho hay sau 3 quý đầu năm, hầu hết doanh nghiệp xây dựng lớn đều không đạt kế hoạch đặt ra ban đầu.

Nói về nguyên nhân, đại diện VACC cho rằng bên cạnh khó khăn về chi phí vật liệu tăng phi mã, tình trạng ách tắc, vướng mắc pháp lý cũng đang khiến số dự án được triển khai trong năm 2022 còn chậm. Cùng với đó, việc cạn room tín dụng khiến chủ đầu tư, nhà thầu gặp khó khăn khi huy động vốn.

Điểm sáng hiếm hoi của ngành xây dựng trong thời gian qua là nguồn vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam giúp triển vọng trong năm 2022 khả quan hơn. Đơn cử, những doanh nghiệp như Vinaconex có tới 80% công việc nằm ở dự án nước ngoài. Hay như Coteccons được chọn làm nhà thầu cho dự án nhà máy tỷ USD của LEGO, được khởi công vào đầu tháng 11 vừa qua và dự kiến đi vào hoạt động từ 2024.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC, đánh giá vốn nước ngoài có thể coi là “lối thoát” hiếm hoi cho doanh nghiệp ngành xây dựng thời gian qua. Tuy nhiên, dự án FDI chỉ là lối thoát cho những doanh nghiệp lớn. Trong khi khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa đủ khả năng cạnh tranh “chết dần, thậm chí chết rất nhanh”.

Để tháo gỡ khó khăn, VACC kiến nghị cần có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý, giảm thiểu “phí không tên”. Đặc biệt, các nhà thầu đang mong muốn giải ngân vốn đầu tư công rút ngắn thời gian và thủ tục hơn.

Hưng Nguyên

Tác giả: Hưng Nguyên
Bài viết liên quan