Tiêu điểm

Dòng tiền có dấu hiệu rời xa cổ phiếu phòng thủ


Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp, thị trường chưa có thêm động lực từ dòng tiền mới mà chủ yếu chuyển dịch giữa các cổ phiếu. Nếu như ở thời điểm trước, cổ phiếu phòng thủ là sự lựa chọn an toàn trong bối cảnh rủi ro bao trùm thị trường, thì nay khi nhiều cổ phiếu nhóm ngành khác được chiết khấu về mức thấp lại đang có xu hướng "hút"  dòng tiền.

Kết thúc phiên giao dịch 23/6, VN-Index tăng mạnh 19,61 điểm (1,68%) với 1.188,88 điểm và chấm dứt 4 phiên lao dốc trước đó; trong đó cổ phiếu ngân hàng có một số mã tăng ấn tượng.

Xu hướng tìm đến cổ phiếu được chiết khấu sâu

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, CTG tăng trần lên 25.250 đồng/cp; LPB tăng 6,3%; VIB tăng 5,7%; TCB tăng 3,3%; MBB tăng 2,6%... Các cổ phiếu bất động sản như DIG, CEO, HDC có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp. Trong đó, DIG tăng trần 2 phiên liên tục, sau chuỗi 10 phiên giảm sâu (có 5 phiên giảm sàn liên tiếp); bộ đôi DXG và DXS cũng kết phiên trong sắc tím. Ngoài ra còn có HDG, CII, QCG, LDG đều tăng trên 6%.

co-phieu-chiet-khau-sau-165598-1232-9576

Dòng tiền đang có xu hướng tìm đến cổ phiếu được chiết khấu sâu. 

Trước đó, phiên 22/6, các nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép hay bất động sản đã có một phiên rực rỡ với sắc xanh phủ rộng, thậm chí nhiều mã còn “tím lịm” như VND, SSI, HCM, VCI,... nhóm chứng khoán; HSG, VGS nhóm thép hay DIG, CEO, CII, DRH, GEX, HDC, HQC,.... nhóm bất động sản.

Đáng chú ý, nhóm ngân hàng tiếp tục ghi nhận phiên thứ 2 đóng vai trò là nhóm dẫn dắt. Dòng tiền bắt đáy tham gia mạnh mẽ giúp các cổ phiếu phục hồi khá ấn tượng. BID, CTG, TCB, MBB, VPB, ACB, SHB, TPB, EIB, OCB tăng điểm với mức tăng trung bình 2,5-3,5%, thậm chí STB, LPB, MSN, VIB tăng kịch trần.

Trái ngược, những phiên gần đây, các nhóm ngành từng đi ngược thị trường như điện, nước, thủy sản, dệt may, dầu khí... đều bị bán mạnh.

Chẳng hạn, trong phiên 22/6 nhiều biến động vừa qua, áp lực chốt lời xuất hiện trên diện rộng, nhất là trên các nhóm tăng mạnh gần đây như điện, nước, thủy sản, dệt may, dầu khí...

Nếu như 2 nhóm cổ phiếu phòng thủ điển hình là điện và nước đã có nhiều phiên tăng mạnh ngược dòng thị trường chung, thì trong phiên này, hầu hết các cổ phiếu thuộc 2 nhóm ngành này đều đã chịu áp lực bán mạnh, thậm chí nhiều cái tên còn giảm sàn như GEG, NT2, PC1, POW, REE,....

Mặc dù không nằm trong nhóm phòng thủ nhưng thủy sản và dệt may cũng được xếp vào loại ít mang tính thị trường và có nhiều cổ phiếu đi ngược thời gian qua. Vì thế, hoạt động chốt lời diễn ra mạnh mẽ trên 2 nhóm cổ phiếu này cũng không phải là điều bất ngờ. Sắc đỏ chiếm ưu thế rõ rệt trên hầu hết các cổ phiếu, thậm chí VHC, ANV, IDI, MSH, TCM,... còn giảm hết biên độ.

Trước đó, phiên ngày 21/6, đà giảm của thị trường cũng chịu tác động xấu của một số nhóm cổ phiếu “nóng” như bất động sản, dầu khí, sản xuất điện, thủy sản, phân bón... khi hàng loạt mã bị bán tháo về giá kịch sàn.

Có thể thấy, trong khi dòng tiền có xu hướng dịch chuyển khỏi nhóm cổ phiếu phòng thủ, cầu bắt đáy lại xuất hiện trên các nhóm ngành đã chiết khấu sâu như ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản...

Rủi ro còn tiềm ẩn

Nhìn chung, với những diễn biến điều chỉnh trong tháng 5, việc thị trường tiếp tục giảm sâu trong tháng 6 khiến định giá P/E hiện tại của thị trường đang ở mức thấp so với khu vực, tương ứng 13,1 lần, thấp hơn nhiều lần mức trung bình 10 năm là 15 lần.

Giới phân tích cho rằng, nhìn theo một góc độ nào đó, thị trường giảm mạnh tới mức chiết khấu sâu đã khiến định giá một số cổ thuộc nhóm nêu trên trở nên hợp lý hơn, thậm chí có thể coi là hấp dẫn. Do đó cầu bắt đáy bắt đầu xuất hiện cũng là điều dễ hiểu.

Thời gian qua, các nhóm như ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản... đều liên tục giảm mạnh, ngay cả những cái tên đầu ngành như VND, SSI, HPG cũng đều đã mất trên 50% so với đỉnh. Với nhóm bất động sản, con số trên vẫn chưa là gì khi một số cái tên như DIG, CEO đã "bay" tới hơn 70% thị giá. Trong khi đó, tại nhóm ngân hàng, mức giảm 40 – 50% trong chưa đầy 3 tháng cũng không phải là số ít.

"Tính được giá trị tài sản hiện tại so với vốn hóa mà thấp, thì mình giải ngân thôi", Lê Sỹ Tuấn, nhà đầu tư thế hệ 9x có gần 10 năm tham gia thị trường nêu quan điểm.

Tuy nhiên, trong giai đoạn dò đáy kéo dài, thực tế cho thấy không ít lần các nhóm cổ phiếu này chỉ “vụt sáng" trong 1, 2 phiên rồi lại nhanh chóng trở lại quỹ đạo giảm.

Bên cạnh đó, tháng 6 vẫn có nhiều rủi ro với thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó tâm điểm là chủ đề lạm phát toàn cầu với việc giá dầu tiếp tục bứt phá trong thời gian qua. Thị trường Việt Nam tất nhiên có những điểm sáng và những câu chuyện riêng, tuy nhiên không thể phủ nhận, rủi ro từ thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn còn rất nhiều.

Do đó, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định mua đuổi để tránh áp lực trong ngắn hạn. Nhà đầu tư cũng không nên dò đáy mà chỉ nên tập trung đầu tư dài hạn.

Điển hình như nhóm cổ phiếu ngân hàng, rủi ro còn tiềm ẩn từ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng gia tăng và gói chính sách tài khóa tiếp tục không đạt tiến độ giải ngân. Nhất là khi lạm phát tăng cao, tiến độ giải ngân không được đẩy nhanh sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng tới tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình, tác động tiêu cực tới sản xuất và đầu tư.

"Chúng ta không bi quan, nhưng có lẽ còn nhiều ẩn số trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư tham gia thị trường cần thận trọng ở một mức độ nhất định và ưu tiên quản trị rủi ro danh mục", ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Chứng khoán HSC nhấn mạnh.

Hải Giang

Tác giả: Hải Giang
Bài viết liên quan