Giá bạc liên tục tăng cao và leo lên mức đỉnh cao nhất 11 năm, giá bạch kim cũng tăng chạm mức cao nhất một năm. Tuy nhiên, sang tháng 6, giá kim loại quý lại đảo chiều giảm trở lại. Vậy đây chỉ là nhịp điều chỉnh giảm ngắn hạn hay xu hướng tăng giá đã chấm dứt?
Kim loại quý bước vào chu kỳ tăng giá mới
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sau hai tháng đầu năm diễn biến trầm lắng, giá bạc và giá bạch kim dần lấy lại đà tăng kể từ đầu tháng 3. Cho đến cuối tháng 5, giá bạc đã tăng gần 40% so với đầu năm nay và vượt qua mốc 32 USD/ounce, vững vàng neo đỉnh 11 năm. Giá bạch kim cũng tăng 15% lên mức cao nhất một năm. Đáng chú ý, nhờ đà bứt phá này, giá bạc và giá bạch kim đã thoát khỏi giai đoạn tích lũy kéo dài và chính thức bước vào xu hướng tăng giá mới.
Diễn biến giá bạc và giá bạch kim từ đầu năm 2023 đến nay |
MXV cho biết, bạc và bạch kim đều là những kim loại nhạy cảm với yếu tố vĩ mô và thường có xu hướng tăng giá khi lãi suất giảm. Do đó, giá hai mặt hàng đã được hưởng lợi khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi những thông điệp “ôn hòa”, thuận chiều với kịch bản hạ lãi suất. Quay lại cuộc họp chính sách hồi tháng 3, FED đã giữ nguyên dự báo sẽ có ba lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, đồng thời cho biết FED không cần phải đợi cho tới khi lạm phát giảm về đúng mục tiêu 2% mới bắt đầu hạ lãi suất.
Bên cạnh đó, nhóm kim loại quý còn được biết đến như một loại tài sản trú ẩn mỗi khi nền kinh tế có biến động. Do vậy, nhóm này đã phát huy tốt vai trò là kênh đầu tư an toàn khi căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng. Vào hồi tháng 4, đợt tập kích quy mô lớn của Iran vào Israel đã đánh dấu sự leo thang đáng kể trong quan hệ giữa hai nước này, đồng thời đẩy khu vực Trung Đông tới ngưỡng cửa một cuộc xung đột rộng lớn hơn. Cùng với đó, căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tuy nhiên, bước sang tháng 6, giá bạc và giá bạch kim lại đảo chiều suy yếu do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư ở vùng giá cao. Hơn nữa, sự thay đổi quan điểm từ “ôn hòa” sang “cứng rắn” của các quan chức FED đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư, kéo dòng tiền rời khỏi thị trường. Xung đột địa chính trị hạ nhiệt so với thời điểm hồi tháng 4, càng làm hạn chế nhu cầu đầu tư vào kim loại quý. Đáng chú ý hơn, nhịp điều chỉnh giảm này đồng thời cũng đưa nhóm kim loại quý đứng trước ngã rẽ quan trọng. Liệu đà tăng giá của nhóm này đã kết thúc hay đây chỉ là bước đệm chuẩn bị cho chu kỳ tăng giá dài hạn hơn?
FED sẵn sàng hạ lãi suất, giá kim loại quý còn nhiều dư địa tăng
Đánh giá về triển vọng giá trong thời gian tới, ông Dương Đức Quang, Phó Tổng giám đốc MXV cho rằng: “Nhịp điều chỉnh giảm của giá bạc và giá bạch kim là tất yếu khi thị trường dần dần ổn định sau một đợt tăng nóng. Xét về trung và dài hạn, giá kim loại này vẫn còn nhiều dư địa tăng khi FED được kỳ vọng sẽ hạ lãi suất vào cuối năm nay, dự kiến sớm nhất là vào tháng 9. Ngoài ra, bất cứ dấu hiệu nào cho thấy xung đột địa chính trị leo thang, giá kim loại quý đều sẽ được hưởng lợi”.
Ông Dương Đức Quang, Phó Tổng giám đốc MXV |
Đi sâu hơn vào bối cảnh vĩ mô hiện tại, trong khi lạm phát tiếp tục xuống thang, nền kinh tế Mỹ lại bắt đầu xuất hiện dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là sự giảm nhiệt trên thị trường lao động, đòi hỏi FED cần sớm hạ lãi suất.
Lạm phát lõi và tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ |
Trong báo cáo công bố mới đây của Bộ Lao động Mỹ, nước này chỉ có thêm 206.000 việc làm ngoài ngành nông nghiệp trong tháng 6, thấp nhất kể từ tháng 11/2023. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp tuy vẫn ở mức thấp so với lịch sử, nhưng đã tăng 3 tháng liên tiếp và đạt mức 4,1% trong tháng 6. Con số này chỉ thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức trung vị mà các quan chức FED coi là trạng thái việc làm toàn dụng phù hợp với mức lạm phát 2%. Ngoài ra, 4,1% cũng là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất của Mỹ trong gần ba năm trở lại đây.
Không chỉ suy yếu trên thị trường lao động, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của nước này cũng có dấu hiệu thu hẹp trở lại, chỉ số quản lý thu mua (PMI) phi sản xuất thậm chí đã giảm xuống mức thấp nhất 4 năm. Các số liệu thống kê khác cho thấy hoạt động tiêu dùng, lĩnh vực chiếm khoảng 70% nền kinh tế Mỹ, cũng sụt giảm trong vài tháng trở lại đây khi người dân Mỹ siết chặt chi tiêu. Khảo sát từ Đại học Michigan chỉ ra tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng.
Chỉ số tâm lý người tiêu dùng tại Mỹ |
Trước những tín hiệu kinh tế ảm đạm, thị trường kỳ vọng FED sẽ sớm hành động để tránh phạm phải sai lầm nếu giữ lãi suất cao trong thời gian quá dài. Công cụ theo dõi lãi suất FedWatch của CME Group cho thấy thị trường đang đặt cược 100% khả năng FED hạ lãi suất vào tháng 9, một sự thay đổi đáng kể so với tỷ lệ chỉ hơn 60% trong đầu tháng 7. Như vậy, việc FED chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ là cơ hội tốt cho giá kim loại quý quay trở lại xu hướng tăng từ giữa quý III và sớm chinh phục lại mức đỉnh hồi cuối tháng 5.
“Trong kịch bản kém lạc quan hơn, FED có thể chưa cắt lãi suất trong tháng 9 nhưng việc FED xoay trục chính sách trong năm nay là điều gần như chắc chắn, như FED đã thừa nhận trong tuyên bố cuộc họp tháng 6. Ở kịch bản này, dù muộn hơn và “con đường gập ghềnh” hơn, nhưng giá kim loại quý dự kiến vẫn sẽ tăng vào cuối năm”, ông Quang nhận định.