Tiêu điểm

Kinh tế hàng hóa tạo bước đệm giảm nghèo ở Tam Đường


Với lợi thế về đất đai, nguồn lao động, huyện Tam Đường (Lai Châu) đang tích cực khai thác lợi thế sẵn có đi liền với hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp hàng hóa thông qua mô hình HTX. Nhờ đó, huyện không chỉ hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung mà còn nâng cao thu nhập, giúp người dân giảm nghèo.

Tam Đường là huyện có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao tại Lai Châu. Bởi vậy, huyện luôn xác định muốn giảm nghèo thành công phải đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập.

Hiệu quả từ sản xuất hàng hóa

Chính vì vậy, huyện ban hành nhiều chính sách, trong đó chú trọng hỗ trợ người dân tiếp cận nhiều kiến thức, nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Nhờ đó, những mô hình sản xuất kinh doanh dần được hình thành, mang lại hiệu quả cao về kinh tế, góp phần giảm nghèo.

Tiêu biểu như mô hình sản xuất của HTX Nông nghiệp Xanh Tam Đường thuê đất để hình thành vùng trồng chuối tập trung với quy mô 20ha của 112 hộ dân tại 2 bản Hưng Bình và Tân Bình (xã Bình Lư). Năm 2021, bà con thu hoạch 570 tấn chuối, HTX đứng ra thu mua và bán ủy quyền sang Trung Quốc, mang về nguồn thu trên 3 tỷ đồng.

Theo tính toán của HTX, trồng chuối xuất khẩu cho thu nhập từ 150 -180 triệu đồng/ha, so với trồng lúa thì giá trị từ cây chuối cao hơn 3 - 4 lần.

-2053-1661223581.jpg

Trồng chuối phục vụ xuất khẩu là một trong những mô hình giảm nghèo hiệu quả ở Tam Đường.

Không chỉ có giá trị kinh tế cao, HTX còn tạo việc làm cho gần 20 lao động người địa phương cũng như lao động ngoại tỉnh với thu nhập ổn định.

Hai vợ chồng anh Sùng Seo Hồ (Mường Khương, Lào Cai) là lao động chăm sóc 6.000 gốc chuối của HTX. Anh Hồ cho biết, từ lúc trồng đến lúc thu hoạch anh thu về mỗi gốc là 20.000 đồng. Một năm hai vợ chồng anh thu nhập 120 triệu đồng, trong khi chăm sóc chuối lại không quá vất cả như trồng ngô, trồng lúa.

Ngoài mô hình sản xuất của HTX Nông nghiệp Xanh Tam Đường, huyện Tam Đường còn nổi lên nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu như: sản xuất miến dong của HTX nông nghiệp và dịch vụ Bình Lư, nuôi và chế biến cá tầm cắt khúc, cá hồi phi lê của HTX Du lịch và dịch vụ Ngũ Chỉ Sơn, sản xuất mật ong hoa tự nhiên của HTX Ong Vàng, sản xuất bàn ghế mây đan của HTX Mây tre đan Bản Giang...

Không dừng lại ở đó, huyện cũng thu hút được các doanh nghiệp về liên kết với người dân phát triển sản xuất trên quy mô lớn. Điển hình như Công ty Cổ phần Beefoods Lai Châu đã liên kết với các hộ dân đầu tư trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm chanh leo tím với diện tích trên 16ha. Năm 2021, công ty thu mua gần 45 tấn chanh leo tím của các hộ dân tham gia dự án liên kết với giá ổn định (25 nghìn đồng/kg), tổng giá trị trên 630 triệu đồng.

Theo đánh giá của ngành chức năng, nhờ liên kết người dân cùng nhau chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, nhiều hộ dân ở các xã không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Năm 2021, toàn huyện Tam Đường giảm 393 hộ nghèo, góp phần giảm hộ nghèo xuống còn 1.539 hộ.

Tạo lực đẩy cho HTX

Theo lãnh đạo Phòng Lao động thương binh và xã hội huyện Tam Đường, để công tác giảm nghèo đạt kết quả cao, huyện đã xây dựng kế hoạch về giảm nghèo bền vững cho từng giai đoạn và cụ thể cho từng năm.

Cùng với xây dựng kế hoạch, huyện khuyến khích, vận động người nghèo tự nguyện đăng ký thoát nghèo; xây dựng các mô hình giảm nghèo đối với hội viên của các tổ chức hội, đoàn thể.

Và một trong những định hướng được Tam Đường chú trọng đó là phát huy vai trò của mô hình kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX để hỗ trợ người dân liên kết sản xuất, từ đó tạo nền tảng để giảm nghèo hiệu quả, bền vững.

Thông qua các HTX, hộ dân là hộ nghèo, cận nghèo được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn của chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, từ đó thuận lợi đầu tư phát triển sản xuất hơn so với làm đơn lẻ.

Các HTX cũng đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư máy móc, liên doanh liên kết với doanh nghiệp và người dân trong sản xuất. Từ đó, các mô hình này ngày càng có sức lan tỏa khi thu hút sự hưởng ứng tích cực của người nghèo trong huyện tham gia. Qua đó đã góp phần khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân các xã.

Hiện nay, huyện Tam Đường có 44 HTX, trong đó 38 HTX đang hoạt động thu hút 380 thành viên, trên 400 lao động thường xuyên tại các HTX. 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện có HTX hoạt động. Mỗi HTX có doanh thu sản xuất kinh doanh, dịch vụ bình quân đạt 2,1 tỷ đồng/năm; lợi nhuận sau thuế đạt 450 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân 1 thành viên đạt 40 triệu đồng/năm.

Trước sự đóng góp của mô hình HTX vào chương trình giảm nghèo của huyện, ông Nguyễn Quang Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết thời gian tới, các cấp ngành cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho HTX hoạt động và phát triển.

Đặc biệt, việc định hướng cho các HTX những cây trồng chủ lực nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa; nâng cao chất lượng liên doanh, liên kết với công ty, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi sẽ là nền tảng vững chắc giúp người dân giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Có thể thấy, nhờ phát huy thế mạnh của người dân thông qua mô hình kinh tế tập thể, huyện Tam Đường đã "gặt hái" được kết quả khả quan trong công tác giảm nghèo bền vững. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế trên địa bàn huyện ngày càng khởi sắc.

Tùng Lâm

Tác giả: Hiệu quả từ sản xuất hàng hóa
Bài viết liên quan