Tiêu điểm

Lãi suất huy động giảm về mức dưới 6% tại hầu hết các ngân hàng


Từ đầu tháng 11, đã có 3 ngân hàng lớn công bố giảm tiếp lãi suất tiết kiệm. Hiện, hầu hết nhà băng đã đưa lãi suất niêm yết cao nhất về dưới 6%/năm. Lãi suất tiết kiệm giảm nhanh và dồn dập, thậm chí về mức thấp hơn giai đoạn dịch Covid-19, nhưng đà giảm vẫn chưa dừng lại.

VIB và VPBank vừa có động thái giảm lãi suất huy động trong tháng 11.

Cụ thể, VIB công bố biểu lãi suất huy động mới, tiếp tục giảm ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1 - 3 tháng còn 3,8%/năm, kỳ hạn 3 - 5 tháng giảm xuống 4%/năm, kỳ hạn 6 - 8 tháng còn 5,1%/năm, kỳ hạn 15 - 18 tháng giảm xuống 5,6%/năm.

Trong khi đó, VPBank điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn dưới 6 tháng: Lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1- 2 tháng được điều chỉnh giảm 0,2 điểm %, xuống còn 3,7%/năm, kỳ hạn 3 – 5 tháng giảm 0,15 điểm % xuống còn 3,8%/năm.

-3844-1699329517.jpg

Hầu hết nhà băng đã đưa lãi suất niêm yết cao nhất về dưới 6%/năm, chỉ còn chưa đến 10 ngân hàng trả lãi từ 6%/năm trở lên.

Thậm chí, lãi suất huy động tại quầy kỳ hạn 6 - 11 tháng và kỳ hạn 15 – 36 tháng tại VPBank hiện còn lần lượt 4,8% và 4,9%/năm.

Tính từ đầu tháng 11 đến nay đã có 3 ngân hàng giảm lãi suất huy động là Sacombank, VIB và VPBank.

Lãi suất tiết kiệm giảm nhanh và dồn dập và thậm chí về mức thấp hơn giai đoạn dịch Covid-19, nhưng đà giảm vẫn chưa dừng lại. Thống kê tại 34 ngân hàng trong nước cho thấy, có hơn 20 ngân hàng giảm tiếp lãi suất trong khoảng một tháng gần đây.

Hiện, hầu hết nhà băng đã đưa lãi suất niêm yết cao nhất về dưới 6%/năm. Chỉ còn chưa đến 10 ngân hàng trả lãi từ 6%/năm trở lên gồm PVComBank, BaoVietBank, DongABank, VietABank, Oceanbank, CBBank, HDBank, Saigonbank.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5 – 2%/năm. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở thời điểm tháng 8/2023 chỉ giảm 1% so với cuối năm 2022.

Theo giải thích của Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, nếu chỉ huy động rồi cho vay thì huy động lãi suất thấp sẽ cho vay lãi suất thấp và ngược lại. Nhưng huy động lại phụ thuộc vào lạm phát và các chỉ số khác. Vì thế, lãi suất huy động mặc dù đã giảm nhưng phải tính toán giảm lãi vay ở mức độ nào cho phù hợp. Lãi vay là một chỉ số rất cần quan tâm trong chỉ đạo điều hành để phù hợp với chỉ số kinh tế vĩ mô nói chung.

Ông Tú thông tin, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu là cuối năm nay có thể đạt được mức lãi suất giảm trung bình của các ngân hàng thương mại khoảng từ 1-1,5%. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, theo thống kê, mức lãi suất trung bình của những khoản cho vay mới giảm khoảng 2 - 2,2%, tức là vượt hơn kỳ vọng và mong muốn ngay từ đầu năm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, hiện lãi suất cho vay đã về bằng so với trước dịch Covid-19, thậm chí thấp hơn 0,3%. Theo dữ liệu của ngành ngân hàng, lãi suất cho vay trung bình giai đoạn 2017-2018 khoảng 8,86 - 8,91%/năm.

Thanh Hồng

Bài viết liên quan