Tiêu điểm

Lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm nhờ huy động vốn tăng?


Tăng trưởng tiền gửi vẫn khá cao tại các ngân hàng trong 2 quý đầu năm. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu, khách hàng cá nhân sẽ có xu hướng tăng gửi tiết kiệm.

Tín dụng tăng chậm hơn huy động vốn khiến thanh khoản của các ngân hàng khá dồi dào, do vậy, các ngân hàng có dư địa để giảm lãi suất huy động, từ đó giảm dần lãi suất cho vay, nhất là trong bối cảnh một số ngân hàng vừa qua đã được nới "room" (hạn mức) tín dụng. 

Huy động vốn tăng 8,1%

Theo báo cáo tài chính của 29 ngân hàng, tính đến hết tháng 6/2022, các nhà băng này đã huy động được hơn hơn 9 triệu tỷ đồng từ tiền gửi khách hàng, tăng 8,1% so với cuối năm 2022.

Trong đó, 4 ngân hàng có vốn nhà nước là Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank vẫn đang đứng đầu bảng xếp hạng với lượng tiền gửi khách hàng hơn 5,8 triệu tỷ đồng, tăng gần 250.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm ngoái.

-7549-1691058824.jpg

Lượng tiền gửi tính đến hết tháng 6/2023 tại Techcombank đạt 381.947 tỷ đồng, tăng 6,6%.

Trong đó, Agribank đứng đầu bảng với lượng tiền gửi huy động được từ khách hàng lên đến gần 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 3,8%; BIDV đứng thứ hai với 1,545 triệu tỷ đồng, tăng 4,9%; Viecombank đứng thứ ba với 1,326 triệu tỷ đồng, tăng 6,7%; VietinBank đạt hơn 1,272 triệu tỷ đồng, tăng 4,9%.

Dẫn đầu khối tư nhân là Sacombank, với số dư tiền gửi khách hàng tính đến hết tháng 6 đạt hơn 500.000 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cuối năm ngoái. MB theo sau với lượng tiền gửi khách hàng đạt gần 475.460 tỷ đồng, tăng 7,2%.

5 ngân hàng còn lại trên bảng xếp hạng các ngân hàng có tiền gửi khách hàng nhiều nhất là: ACB (432.410 tỷ đồng), tăng 4,5%; SHB (409.618 tỷ đồng) tăng 13%; VPBank (387.611 tỷ đồng) tăng 28%; Techcombank (381.947 tỷ đồng) tăng 6,6%; HDBank (309.645 tỷ đồng) tăng 44%.

Có một điểm đáng chú ý trong 6 tháng đầu năm đó là mặc dù mức tăng trưởng huy động vốn từ khách hàng của 4 ngân hàng quốc doanh thấp hơn nhiều so với một số ngân hàng tư nhân, nhưng các “ông lớn” này vẫn đang chiếm 65% tổng số tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống.

Việc các ngân hàng nhỏ tăng tỷ trọng đóng góp trong lượng tiền gửi khách hàng một phần do các nhà băng này đã huy động với lãi suất cao hơn nhiều so với Big 4. Về dài hạn, nhóm Big 4 lại có ưu thế về chi phí vốn rẻ hơn so với các nhà băng nhỏ.

Với nhóm khách hàng cá nhân, biểu đồ ghi nhận biến động tiền gửi dân cư tại ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, thực tế số dư tiền gửi dân cư tại ngân hàng liên tục tăng lên suốt một năm qua (tính từ thời điểm tháng 3/2022 đến nay). So với thời điểm tháng cuối năm 2022, số dư tiền gửi của dân cư tính đến cuối tháng 5/2023 tăng thêm gần 400.000 tỷ đồng. Theo đó, tính đến cuối tháng 5, tổng số dư tiền gửi của dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,3 triệu tỷ đồng.

Đây là diễn biến không gây nhiều bất ngờ trong bối cảnh lãi suất huy động tại các ngân hàng liên tục tăng cao lên mức 9-10%/năm giai đoạn sau Tết Nguyên đán 2023 trước khi giảm về quanh ngưỡng 7%/năm như hiện nay.

Chứng khoán VnDirect nhìn nhận, bên cạnh việc cắt giảm chi tiêu, khách hàng cá nhân sẽ có xu hướng tăng gửi tiết kiệm trong môi trường lãi suất cao.

Thanh khoản dồi dào tạo dư địa để giảm lãi suất

Mặc dù lãi suất tiền gửi liên tục giảm kể từ đầu quý II/2023, song trước bối cảnh thị trường có những khó khăn, các kênh đầu tư khác chưa thực sự hồi phục nên nhiều người vẫn lựa chọn gửi tiết kiệm. Trong khi đó, tín dụng khó tăng trưởng trong nửa đầu năm nay nên tổng huy động tiền gửi đã tăng cao hơn dư nợ cho vay, sau nhiều năm mất cân đối.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 20/6/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,53% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ tăng 3,3%), huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,26% (cùng kỳ tăng 3,97%), còn tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,13% (cùng kỳ tăng 8,51%). Tại một số ngân hàng như ACB, OCB…, huy động cao hơn tín dụng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank, ông Trần Minh Bình chia sẻ, ngân hàng lần đầu tiên tăng trưởng tín dụng âm trong tháng 5/2023 và phải “hãm” huy động vốn.

Tại Agribank, tín dụng tăng trưởng âm trong 4 tháng đầu năm 2023 và mới tăng trưởng dương từ tháng 5/2023, nên ngân hàng cũng dần cắt giảm lãi suất huy động.

Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, sẽ không huy động vốn bằng mọi giá, mà chỉ huy động đủ nhu cầu để nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời, ngân hàng nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay, qua đó kích thích nhu cầu đầu tư, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp, giúp tín dụng tăng tương ứng với huy động vốn.

Theo các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), các quyết định giảm lãi suất điều hành vào cuối tháng 5 của NHNN sẽ có thêm tác động thúc đẩy hạ lãi suất cho vay đối với cá nhân và tổ chức, qua đó hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, một lượng lớn tín phiếu do NHNN phát hành đáo hạn tiếp tục giúp cho thanh khoản hệ thống thêm dồi dào, hỗ trợ lãi suất tiếp tục hạ nhiệt.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua được 6 tỷ USD nhằm bổ sung vào dự trữ ngoại hối quốc gia, đồng nghĩa bơm 140.000 tỷ đồng vào nền kinh tế giúp hệ thống dồi dào thanh khoản.

Việc hệ thống ngân hàng duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào là yếu tố tích cực để các nhà băng có thêm điều kiện giảm lãi suất.

BVSC dự báo tới cuối năm 2023, lãi suất huy động sẽ giảm khoảng 1% với cuối năm 2022 và nhờ đó tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 13%.

Huyền Anh

Tác giả: Huy động vốn tăng 8,1%
Bài viết liên quan