Tại Hội thảo "Đổi mới dịch vụ và sản phẩm tài chính ngân hàng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam" ngày 24/7, ông Nguyễn Minh Tú, Giám đốc điều hành Khối thông tin doanh nghiệp, Công ty cổ phần Fiin Group, cho biết khoảng trống về tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Việt Nam ước khoảng 24 tỷ USD, gấp 2,11 lần mức cho vay doanh nghiệp SME hiện tại. Trong khi con số này tại các nước đang phát triển chỉ cao hơn 1,23 lần.
Tỷ trọng cho vay còn thấp
Theo thống kê, hiện nay, số lượng doanh nghiệp SME chiếm gần 85% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, nhưng doanh thu chỉ chiếm khoảng 20%.
Trong đó, hơn 40% doanh nghiệp SME tham gia vào hoạt động bán buôn và bán lẻ. Đây được xem là một ngành kinh doanh quan trọng, đóng vai trò trung gian giữa nhà sản xuất, đại lý và người tiêu dùng.
Mặc dù là động lực vô cùng quan trọng trong nền kinh tế, song các doanh nghiệp SME đang đối mặt với rất nhiều thách thức như: khó khăn trong việc tiếp cận tài chính; khó khăn trong tiếp cận khách hàng mới; thiếu công cụ quản lý rủi ro; thiếu thông tin kinh doanh.
Tỷ lệ dư nợ tín dụng của nhóm doanh nghiệp SME vẫn còn khiêm tốn so với tổng dư nợ vay của toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam. |
Ông Tú cũng thông tin thêm, giai đoạn 2019-2022, đa phần các ngành kinh tế đều ghi nhận sự gia tăng rủi ro, tỷ lệ doanh nghiệp SME gặp khó khăn tài chính tăng trung bình hơn 10%. Đặc biệt, một số nhóm ngành như nghệ thuật, vui chơi và giải trí; và xây dựng, ghi nhận mức tăng rủi ro tài chính lần lượt là 16,39% và 15,51%.
Năm 2023, các ngành khác đều có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ trong tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn tài chính, ngoại trừ ngành hoạt động kinh doanh bất động sản.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, các ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng đã và đang tham gia tích cực hỗ trợ doanh nghiệp SME.
Theo số liệu của Fiin Group, năm 2023, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đạt mức tăng 13,79%, thấp hơn mức 14,17% của năm 2022. Về cơ cấu dư nợ, phân khúc cho vay doanh nghiệp SME ghi nhận sự gia tăng đáng kể vào năm 2023, với mức tăng trưởng 19,13% so với năm trước.
Tổng dư nợ tín dụng doanh nghiệp SME của nhóm công ty tài chính phi ngân hàng đạt 74,03 nghìn tỷ đồng, với mức tăng trưởng đạt 26,8% vào năm 2023; trong khi nhóm ngân hàng ghi nhận ở mức 2.739,11 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Văn Nam, Phó giám đốc Khối thông tin doanh nghiệp, phụ trách Mô hình rủi ro và Phân tích dữ liệu, Fiin Group nhận định, tỷ lệ dư nợ tín dụng của nhóm doanh nghiệp SME vẫn còn khiêm tốn.
Thống kê cho thấy, hiện nay, tổng nợ vay của các doanh nghiệp SME thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp lớn - nhóm chỉ chiếm chưa tới 20% số doanh nghiệp cả nước nhưng tổng nợ vay chiếm tới hơn 90% tổng nợ vay của toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến doanh nghiệp SME khó tiếp cận tín dụng là do nhiều yếu tố như yêu cầu cao về tài sản đảm bảo, quy trình phê duyệt tín dụng phức tạp, và sự thiếu hụt thông tin tài chính minh bạch từ các doanh nghiệp này.
Từ thực tế hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Anh Đào, Phó Chủ tịch Liên hiệp HTX tiêu dùng Việt Nam, cho hay Liên hiệp bao gồm rất nhiều thành viên là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng thực tế việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng rất khó khăn do năng lực về kiểm toán, báo cáo tài chính, năng lực sản xuất kinh doanh còn yếu.
Vì vậy, bà Đào cho rằng việc minh bạch thông tin là rất quan trọng như về báo cáo tài chính, hoạt động của doanh nghiệp để các ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế tiếp cận được thông tin đó, đánh giá chính xác nhất về doanh nghiệp để cho vay một cách nhanh nhất.
Đối với ngân hàng, ngoài các ngân hàng thương mại, công ty tài chính trong nước và quốc tế cũng cần quan tâm sâu sắc hơn với doanh nghiệp SME, cũng như đánh giá khách quan hơn, có các gói tín dụng đáp ứng nhu cầu, kể cả những gói tín dụng rất nhỏ của doanh nghiệp SME và các HTX, từ đó doanh nghiệp, HTX mới dễ dàng tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng và tổ chức này.
"Bài toán" kiểm soát rủi ro
Các chuyên gia đánh giá, hiện nay, các ngân hàng và tổ chức tài chính cho vay theo phương pháp chấm điểm tín dụng truyền thống, điều này sẽ khiến các doanh nghiệp SME gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh các tổ chức tín dụng ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế.
Đồng tình, ông Nam cho rằng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp SME sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong việc tiếp cận tài chính như: Thiếu minh bạch thông tin; Các tiêu chuẩn cho vay chặt chẽ hơn của các tổ chức tín dụng; Không có khả năng cung cấp tài sản thế chấp; Năng lực chấm điểm tín dụng và quản lý rủi ro; Dữ liệu không đáp ứng; Sản phẩm và quy trình tín dụng mang tính truyền thống…
Song, nhóm doanh nghiệp này cũng tiếp cận được nhiều cơ hội: Hỗ trợ của Chính phủ từ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Xu hướng chuyển đổi số như Nền tảng quản trị cho SME, Chuyển đổi số ngành ngân hàng, Hạ tầng dữ liệu quốc gia và sự hỗ trợ từ Tín dụng xanh và phát triển bền vững…
Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Văn Nam đề xuất, các tổ chức tín dụng có thể tối ưu hóa danh mục cho vay SME dựa trên năng lực phân tích rủi ro nâng cao nhằm tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng SME, đặc biệt là các doanh nghiệp còn non trẻ.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Thanh Huyển cho rằng Việt Nam cần có thị trường phân tích dữ liệu để bổ trợ cho cơ sở hạ tầng thị trường tài chính Việt Nam. Thị trường vốn cần cải tổ mạnh mẽ hơn nữa, giúp các tổ chức thu hút được vốn.
Đồng thời, các ngân hàng cần phát triển mạnh mẽ chuỗi cung ứng, thanh toán, tài trợ xanh và tài trợ doanh nghiệp. "Các ngân hàng đang có các công cụ rất hữu hiệu để quản trị rủi ro nên cần mạnh dạn cho vay với các doanh nghiệp SME", bà Huyền nhấn mạnh.
Ông Jimmy Nguyễn, Phó giám đốc, chuyên gia sản phẩm tín dụng (ASEAN) S&P Global Market Inteligence, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay có thể đạt 5,8%, cao hơn năm 2023, nhưng tỷ lệ tăng tín dụng lại quá nóng với mục tiêu là 15% - đây là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực như Indonesia chỉ khoảng 6%... Do đó, khi cung cấp thêm tín dụng thì phải có sự quản lý hợp lý, nếu không sẽ rủi ro cho cả hệ thống.
“Đối với việc hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp SME, rủi ro là có, nhưng không có nghĩa là không cho vay mà cần kiểm soát rủi ro một cách hiệu quả. Chẳng hạn như ngoài đánh giá rủi ro của doanh nghiệp, cần đánh giá rủi ro về ngành, bao gồm: lợi nhuận, lỗ lãi, số lượng hợp đồng, doanh thu… Và để làm được điều này, ngân hàng cần có dữ liệu đáng tin cậy để đánh giá rủi ro”, ông Jimmy Nguyễn nói.
Thanh Hoa