Tiêu điểm

Nhôm định hình của Việt Nam không còn bị Australia áp thuế chống bán phá giá


Tin vui cho các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam là cơ quan chức năng của Australia cho rằng không có khả năng nhôm định hình nhập khẩu từ Việt Nam tiếp tục gây ra thiệt hại đối với ngành sản xuất của nước này, nên Australia quyết định ngừng áp thuế chống bán phá giá lên nhôm định hình của Việt Nam.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) mới đây đã ban hành kết luận cuối cùng cho đợt rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nhôm định hình có xuất xứ từ Việt Nam và Malaysia.

Nhom-dinh-hinh-9194-1657610054.jpg

Nhôm định hình của Việt Nam không còn bị Australia áp thuế chống bán phá giá giúp các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thép của Việt Nam tự tin cạnh tranh ở thị trường tiềm năng này (Ảnh minh họa: Int)

Theo đó, ADC bắt đầu cuộc rà soát cuối kỳ vào ngày 15/9/2021, sau khi xem xét đề nghị của nhà sản xuất nhôm Australia là Capral Limited (Capral). Hàng hóa bị điều tra chống bán phá giá là nhôm định hình được phân loại theo mã HS 7604.10.00; 7604.21.00; 7604.29.00; 7608.10.00; 7608.20.00; 7610.10.00; 7610.90.00, với giai đoạn rà soát từ 1/7/2020 - 30/6/2021.

Tại kết luận cuối cùng cho đợt rà soát cuối kỳ, ADC cho rằng lượng sản phẩm nhôm định hình từ Malaysia và Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ trên thị trường Australia trong suốt 5 năm qua và việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá không tạo ra những tác động đáng kể đối với ngành nhôm định hình của Australia. Vì vậy, mặc dù chống bán phá giá có thể tiếp diễn nhưng ADC cho rằng không có khả năng nhôm định hình nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia tiếp tục gây ra thiệt hại đối với ngành sản xuất của Australia. Do đó, biện pháp chống bán phá giá, hiện đang áp dụng ở mức 1,9% đối với Việt Nam, chính thức hết hiệu lực kể từ ngày 27/6/2022.

Trước đó, vào đầu tháng 6 vừa qua, ADC cũng đã ban hành kết luận điều tra sơ bộ và báo cáo dữ liệu trọng yếu trong vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với ống thép chính xác có xuất xứ từ Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc. 

Theo đó, ADC cho rằng không có bằng chứng cho thấy có sự khác biệt về giá nguyên liệu giữa Việt Nam và các nước khác; và không có sự tác động của Chính phủ làm lệch lạc giá trị thông thường; các văn bản quy hoạch định hướng tổng thể cho ngành thép không còn hiệu lực ảnh hưởng. Chính vì vậy, ADC kết luận không tồn tại PMS (tình hình thị trường đặc biệt) tại Việt Nam.

Về cáo buộc bán phá giá và trợ cấp, tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều được kết luận có biên độ bán phá giá âm (không bán phá giá) và không nhận trợ cấp hoặc nhận trợ cấp không đáng kể từ Chính phủ. Cụ thể, biên độ bán phá giá xác định cho các doanh nghiệp Việt Nam từ -12,2% tới -6,5%; biên độ trợ cấp từ 0% tới 0,01%.

Về mối quan hệ nhân quả, ADC kết luận hàng hóa từ Việt Nam và Đài Loan không gây ra thiệt hại đáng kể. Trong khi đó, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước được cho là xuất phát từ hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc và Hàn Quốc. Mức thuế chống bán phá giá sơ bộ mà các nhà sản xuất, xuất khẩu Hàn Quốc bị áp dụng là 6,2%; tổng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà các nhà sản xuất, xuất khẩu Trung Quốc bị áp dụng từ 11,9% - 54,5%.

Đức Nguyễn

Bài viết liên quan