Sáng 21/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đây là hội nghị đầu tiên giữa Chính phủ và các địa phương sau khi Chính phủ được kiện toàn sau kỳ họp bất thường thứ 9 của Quốc hội khóa XV bế mạc ngày 19/2. Hội nghị được tổ chức nhằm rà soát và thúc đẩy các địa phương triển khai, thực hiện các nhiệm vụ giải pháp để đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025, tạo tiền đề cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các Bộ, ngành và 63 địa phương tại các đầu cầu trực tuyến. Ảnh: Nhật Bắc |
Chỉ bàn làm, không bàn lùi để đạt mục tiêu tăng trưởng cao, bền vững
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm có nhiều ngày kỷ niệm trọng đại và là năm bản lề để hoàn thành các mục tiêu Đại hội XIII đề ra, phấn đấu đạt 2 mục tiêu 100 năm (tới năm 2030 là nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao).
Thủ tướng cho rằng, tăng trưởng GDP là yếu tố quan trọng nhất với việc thực hiện 2 mục tiêu nói trên, tăng trưởng GDP sẽ tác động tới quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, xếp hạng quy mô GDP trên thế giới.
Chính vì vậy, “không còn cách nào khác, chúng ta phải duy trì tăng trưởng cao, bền vững liên tục trong thời gian từ nay tới 2045, chỉ có như vậy mới vượt qua được bẫy thu nhập trung bình và vươn lên, đạt được các mục tiêu chiến lược, thực hiện khát vọng trong kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Thủ tướng, vừa qua, Chính phủ đã đề xuất với Trung ương, Quốc hội phấn đấu đạt tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và tăng trưởng 2 con số trong những năm tới. Trung ương đã ban hành Kết luận 123 ngày 24/1, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ngày 19/2 và Chính phủ đã giao chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 cho các địa phương, bộ ngành.
“Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ có bàn làm, không bàn lùi. Vấn đề là làm thế nào?” - Thủ tướng đặt vấn đề.
![]() |
Thủ tướng cho rằng, để nền kinh tế tăng trưởng 8% cần làm mới các động lực truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Ảnh: Nhật Bắc |
Cũng theo Thủ tướng, công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa qua cho thấy, Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,4% trong gần 40 năm đổi mới từ 1986 đến nay. Năm 2024, quy mô GDP Việt Nam đạt trên 470 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.700 USD, nếu tăng trưởng GDP ở mức khoảng 7% mỗi năm thì rất khó đạt 2 mục tiêu 100 năm.
"Như vậy, trong 2 thập kỷ tới cần tăng tốc bứt phá mới có thể đạt mục tiêu chiến lược đề ra. Chặng đường chúng ta đi còn rất gian lao" - Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh, trong năm 2025, chúng ta phải làm rất nhiều việc, trong đó phải tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% để tạo đà, tạo thế, tạo lực cho những năm tới tăng trưởng 2 con số.
Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước.
Làm mới các động lực truyền thống, thúc đẩy động lực mới
Cũng theo Thủ tướng Chính phủ, muốn cả nước tăng trưởng trên 8% thì tất cả các bộ ngành, địa phương, các lĩnh vực phải tăng trưởng trên 8%, doanh nghiệp trong và ngoài nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân… đều phải tăng trưởng trên 8%, chứ không thể chỉ có một vài địa phương, một vài bộ ngành, một vài doanh nghiệp tăng trưởng cao rồi kéo cả nước lên, điều này là rất khó.
"Mục tiêu như thế, không làm không được. Đây là thời điểm chúng ta phải tăng tốc, bứt phá, về đích, tận dụng mọi thời cơ để đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, bay cao vươn xa" - Thủ tướng phát biểu.
Để làm được các mục tiêu trên, Thủ tướng cho rằng, muốn tăng trưởng được thì phải làm mới các động lực truyền thống (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng), thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…, khai thác các không gian phát triển mới như không gian biển, không gian ngầm, không gian vũ trụ. Muốn vậy phải có nguồn lực về con người, vốn, công nghệ, thể chế…
Do vậy, tại Hội nghị này, Thủ tướng đề nghị các đại biểu góp ý, hiến kế các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp mang tính "đòn bẩy - điểm tựa" để làm có trọng tâm, trọng điểm và mang lại hiệu quả tốt; coi trọng thời gian, trí tuệ và quyết đoán là những yếu tố quyết định thành công.
Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin...
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Một số mục tiêu tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực năm 2025 bao gồm: Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 12%; thặng dư thương mại hàng hóa đạt 30 tỷ USD, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng 9,5%; tốc độ bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng khoảng 12%; tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C từ 20-22%; tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử tăng từ 60-62%; tốc độ tăng tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt từ 12,5-13%... Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) của từng tỉnh, thành phố trên cả nước theo Nghị quyết số 25/NQ-CP bao gồm: Hà Nội 8%; Vĩnh Phúc 9%; Bắc Ninh 8%; Quảng Ninh 12%; Hải Dương 10,2%; Hải Phòng 12,5%; Hưng Yên 8%; Thái Bình 9%; Nam Định 10,5%; Hà Nam 10,5% và Ninh Bình 12%... |