Tiêu điểm

Thúc đẩy tăng trưởng thị trường nội địa trong năm 2025


Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng thị trường nội địa trong năm 2025.

Bán lẻ hàng hoá sẽ tiếp tục địa tăng trưởng trong năm 2025

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2025 ước đạt 573,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,0%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,6% (cùng kỳ năm 2024 tăng 5,6%). Nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch đã góp phần tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ thời gian qua.

Thúc đẩy tăng trưởng thị trường nội địa trong năm 2025

Các doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp giữ đà tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá

Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01/2025 ước đạt 441,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là một trong những yếu tố quan trọng cho tăng trưởng năm 2025. Chỉ số này phấn đấu tăng trưởng 12% so với năm 2025. Báo cáo Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam 2024 và Triển vọng 2025 do KPMG công bố mới đây nêu rõ, tiêu dùng nội địa tiếp tục là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng trong năm 2025. Theo đó, mục tiêu tổng bán lẻ tiêu dùng tăng 12% trở lên trong 2025 được cho là sẽ được thúc đẩy bởi việc tăng lương, chi trả chế độ cho cán bộ từ tinh giản bộ máy và tiếp tục giảm thuế tiêu dùng. Bên cạnh đó, du lịch cũng được dự báo sẽ phục hồi mạnh với 22-23 triệu khách quốc tế từ đơn giản hóa và mở rộng thị thực nhập cảnh.

Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, nhu cầu tiêu dùng của người dân cải thiện bởi các yếu tố như thuế giá trị gia tăng tiếp tục giảm 2% với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, bắt đầu từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025; cùng với đó, Chính phủ đẩy mạnh phát triển sàn thương mại điện tử, xây dựng Luật Thương mại điện tử nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong năm 2025.

Còn theo NielsenIQ, năm 2025, tổng mức chi tiêu toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,5% so với năm ngoái, tương đương có thêm 131 triệu người mới bước vào tầng lớp “tiêu dùng”. Trong đó, Việt Nam ghi nhận thêm 3,8 triệu người thuộc tầng lớp này, xếp thứ 5 trên tổng số 17 quốc gia có trên 1 triệu người gia nhập tầng lớp tiêu dùng trong năm 2025.

Khảo sát của NielsenIQ cũng chỉ ra rằng, xu hướng tiêu dùng toàn cầu trong năm 2025 sẽ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu và giảm chi tiêu các mặt hàng xa xỉ. Cụ thể, người tiêu dùng có ý định tăng chi tiêu vào các mặt hàng như tiện ích, hàng tạp hóa và đồ gia dụng, đặc biệt là các sản phẩm đồ tươi sống; các sản phẩm bị cắt giảm chi tiêu bao gồm các hoạt động giải trí ngoài nhà, đồ dệt may và sản phẩm công nghệ...

Doanh nghiệp bán lẻ đặt mục tiêu lợi nhuận cao

Bán lẻ hàng hoá là một trong những yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Đây là lý do các doanh nghiệp lớn ngành bán lẻ cũng đã và đang nỗ lực đầu tư mở rộng hệ thống phân phối nhằm đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của thị trường nội địa trong năm 2025.

Theo đó, giữa tháng 1 vừa qua, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH Một thành viên (SATRA) tổ chức khai trương Trung tâm Thương mại SATRA Võ Văn Kiệt (Centre Mall Võ Văn Kiệt) tại 1466 đường Võ Văn Kiệt (phường 3, quận 6, TP.HCM). Ông Nguyễn Tuấn, Phó Tổng giám đốc SATRA, cho biết Centre mall Võ Văn Kiệt có quy mô 6 tầng nổi và 1 tầng hầm, diện tích sàn xây dựng gần 30.000m², diện tích cho thuê lên đến 15.000 m², khu siêu thị tự chọn Satramart rộng hơn 1.500 m². Đây là trung tâm thương mại lớn nhất trong chuỗi hệ thống bán lẻ của SATRA và là trung tâm thương mại duy nhất tại quận 6.

Đây cũng là điểm đến “one-stop-shopping” (khu phức hợp thương mại “môt điểm đến” cung cấp tất cả dịch vụ giúp người tiêu dùng từ mua sắm, ẩm thực và giải trí chỉ tại một điểm đến) duy nhất trên đại lộ Võ Văn Kiệt, với hơn 20 trường học các cấp xung quanh, hứa hẹn trở thành trung tâm dịch vụ thương mại và giải trí hàng đầu phục vụ người dân quận 6 và các quận lân cận (quận 8, 5, 11, Bình Tân...) tới mua sắm, vui chơi, học tập, chăm sóc sức khỏe và thư giãn.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện hệ thống siêu thị Winmart cũng cho biết, bước sang năm 2025, WinMart/WinMart+/WiN xác định tiếp tục đẩy mạnh chiến lược mở rộng quy mô, nâng cấp hệ thống nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Trong bối cảnh ngành bán lẻ Việt Nam ngày càng cạnh tranh, chiến lược này không chỉ giúp hệ thống củng cố vị thế mà còn khẳng định cam kết đồng hành cùng người tiêu dùng Việt trên hành trình nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo đó, hệ thống đặt mục tiêu nâng cấp hàng loạt siêu thị WinMart hiện có, đồng thời mở mới hàng trăm cửa hàng WinMart+/WiN tại nhiều tỉnh thành. Đặc biệt, các khu đô thị mới, khu dân cư phát triển, khu vực nông thôn, vùng ven tỉnh thành sẽ là những điểm trọng tâm trong kế hoạch mở rộng, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận sản phẩm chất lượng với giá cả ổn định mỗi ngày.

Tại Diễn đàn Chính sách và Pháp luật phát triển thương mại trong nước năm 2024 diễn ra mới đây, bà Đoàn Thị Hương Thanh - Giám đốc Pháp chế Wincommerce (chủ đầu tư hệ thống WinMart/WinMart+/WiN) cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các khu vực nông thôn, vùng ven, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ tiếp cận với các quy hoạch thương mại, đồng thời có chính sách và biện pháp thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại bán lẻ, logistics tại vùng, địa phương để đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển mạng lưới logistics quốc gia, đầu tư hệ thống kho bãi, vận tải và các trung tâm logistics hiện đại để tăng cường hiệu quả và giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, tạo lợi thế cạnh tranh so với doanh nghiệp nước ngoài.

Đặc biệt, chú ý phát triển logistics về khu vực vùng sâu vùng xa, khu vực đặc thù cần sự quan tâm của Chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp đang muốn đẩy mạnh đầu tư hệ thống bán lẻ về khu vực này.

Về phía Bộ Công Thương, để tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, Bộ Công Thương xác định sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trang thiếu hàng, sốt giá. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị truyền thông trong và ngoài Bộ cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình giá cả thị trường, các điểm bán hàng bình ổn, tình hình nguồn cung... để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng...

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương ủng hộ các chuỗi bán lẻ xây dựng các điểm bán, các trung tâm trung chuyển để nâng cao năng lực. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng các chính sách phát triển ngành logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh logistics, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.

Tờ trình của Chính phủ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên nêu rõ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2025 phấn đấu tăng khoảng 12% trở lên.

 

 
Tác giả: Bảo Ngọc