Tiêu điểm

Điều chỉnh xuất thần giúp Nhật Bản thắng Đức


Có 45 phút thi đấu đầu tiên đầy bạc nhược, nhưng Nhật Bản đã kịp thay đổi toàn bộ diện mạo trong lối chơi ở hiệp 2 để tiếp tục tạo nên thêm một bất ngờ nữa tại World Cup lần này.

Nhật Bản tạo nên cơn địa chấn thứ hai tại World Cup 2022 khi ngược dòng đánh bại tuyển Đức. Ảnh: Reuters.

Nhật Bản tạo nên cơn địa chấn thứ hai tại World Cup 2022 khi ngược dòng đánh bại tuyển Đức. Ảnh: Reuters.

Với đội tuyển Đức, hiệp một gần như hoàn hảo của họ đã bị lu mờ bằng một màn trình diễn thiếu thuyết phục trong một tâm thế chơi bóng có phần chủ quan.

Hiệp 1 toàn diện của tuyển Đức

Kiểm soát 81% thời lượng bóng lăn, tung ra tới 14 pha dứt điểm và chỉ để đối phương tạo ra pha dứt điểm đầu tiên vào phút bù giờ thứ 5, đội bóng của Hansi Flick đã thể hiện sức mạnh của mình bằng một nhịp độ tấn công chuẩn mực.

Nhật Bản nhập cuộc với phong cách an toàn thường thấy của HLV Moriyasu. Họ bố trí khối phòng ngự 4-4-2 ở khu vực sân nhà và chủ trương chờ đợi thời cơ từ trạng thái chuyển đổi. Ở bên phía đối diện, Đức thiết lập cấu trúc 3-2-5 khi kiểm soát bóng và hoàn toàn làm chủ cuộc chơi.

Niklas Sule trở thành trung vệ thứ 3, trong khi David Raum và Serge Gnabry là những cầu thủ đóng vai trò bám biên. Ở khu vực trung tuyến, Jamal Musiala cùng Thomas Muller chơi ngay sau lưng của Kai Havertz.

Cấu trúc 3-2-5 của Đức đối đầu với hệ thống phòng ngự 4-4-2 của Nhật Bản.

Cấu trúc 3-2-5 của Đức đối đầu với hệ thống phòng ngự 4-4-2 của Nhật Bản.

45 phút đầu tiên có thể được xem là một thế trận áp đặt điển hình trong cuộc đối đầu giữa cấu trúc 3-2-5 khi tấn công và hệ thống phòng ngự 4-4-2 ở sân nhà.

Chưa xét tới các phương án tấn công, một trong những điểm mà đại diện châu Âu thực hiện tốt nhất ở hiệp một là tính liên tục của việc kiểm soát bóng. Một cấu trúc đội hình tốt, một tốc độ lên bóng ở điềm tĩnh giúp ĐT Đức hạn chế rủi ro ờ thời điểm để mất bóng trên phần sân đối phương. Đó là lí do giải thích vì sao họ lại có thời lượng kiểm soát bóng vượt trội, cũng như không để cho đối thủ có các tình huống dứt điểm cầu môn.

Khả năng chống phản công được ĐT Đức thể hiện tốt trong hiệp 1.

Khả năng chống phản công được ĐT Đức thể hiện tốt trong hiệp 1.

Duy trì tốc độ lên bóng điềm tĩnh giúp ĐT Đức có được cự ly đội hình tốt trên phần sân đối phương.

Duy trì tốc độ lên bóng điềm tĩnh giúp ĐT Đức có được cự ly đội hình tốt trên phần sân đối phương.

Một khi ĐT Đức đã tìm được nhịp chơi của mình, các cơ hội đến với họ như một lẽ đương nhiên. Hàng ngang 5 cầu thủ tấn công trải dài khắp mặt sân giúp đội bóng của Hansi Flick có ưu thế so với nhóm 4 hậu vệ của đối thủ.

Khi Muller và Musiala thể hiện được khả năng giữ bóng và liên kết ở không gian giữa hai tuyến phòng ngự của Nhật Bản, thì khoảng trống bắt đầu xuất hiện từ hành lang cánh. Cầu thủ chạy cánh trái David Raum khi ấy, đóng vai trò là điểm xâm nhập cho những đường chuyền quyết định của ĐT Đức.

Sự áp đảo quân số ở giữa hai tuyến phòng ngự giúp ĐT Đức tạo ra các cơ hội tấn công.

Sự áp đảo quân số ở giữa hai tuyến phòng ngự giúp ĐT Đức tạo ra các cơ hội tấn công.

Khoảng trống ở hành lang cánh trái cho David Raum.

Khoảng trống ở hành lang cánh trái cho David Raum.

ĐT Nhật Bản gần như không tạo ra bất cứ dấu hiệu tích cực nào trong một định hướng nhập trận quá an toàn mà HLV Moriyasu lựa chọn.

Thay đổi của Moriyasu

Bối cảnh ấy khiến vị chiến lược gia 54 tuổi này buộc phải thay đổi. Thay vì những cá nhân tấn công như Ritsu Doan hay Kairu Mitoma, ông Moriyasu lựa chọn Takehiro Tomiyasu và rút Takefusa Kubo rời sân. Việc rút một tiền vệ cánh và đưa một trung vệ vào sân lại bất ngờ là nền tảng cho sự thay đổi toàn diện của Nhật Bản trong hiệp 2.

Thay vì hệ thống 4-2-3-1/4-4-2, Nhật Bản chuyển sang chơi với sơ đồ 3-4-3. Tuyến giữa vẫn được kiểm soát bởi cặp đôi Wataru Endo và Ao Tanaka, trong khi Junya Ito, Daizen Maeda và Daichi Kamada là bộ 3 trên hàng công. Nhật Bản không còn phòng ngự từ sân nhà, mà mạnh dạn đẩy cao đội hình gây áp lực lên các trung vệ của ĐT Đức. Ở thời điểm có bóng, bộ 3 trung vệ cùng 2 tiền vệ trung tâm cũng tự tin thực hiện các tình huống phối hợp ở cự ly gần, trước khi hướng bóng lên phía trước.

ĐT Nhật Bản chuyển sang sơ đồ 3-4-3, cùng định hướng gây áp lực tầm cao.

ĐT Nhật Bản chuyển sang sơ đồ 3-4-3, cùng định hướng gây áp lực tầm cao.

Khi có bóng, Nhật Bản chủ động triển khai từ phần sân nhà với lợi thế 3 trung vệ.

Khi có bóng, Nhật Bản chủ động triển khai từ phần sân nhà với lợi thế 3 trung vệ.

Không chỉ giúp thế trận của Nhật Bản trở nên cân bằng hơn, sơ đồ 3-4-3/5-4-1 khi phòng ngự cũng giúp đại diện châu Á khoả lấp được điểm yếu đã khiến họ phải nhận bàn thua trong hiệp 1 – những tình huống khai thác khoảng trống ở hành lang cánh của ĐT Đức.

Sơ đồ 3-4-3/5-4-1 khi phòng ngự cũng giúp Nhật Bản kiểm soát tốt hơn khoảng trống ở hai cánh.

Sơ đồ 3-4-3/5-4-1 khi phòng ngự cũng giúp Nhật Bản kiểm soát tốt hơn khoảng trống ở hai cánh.

Nhưng đó mới chỉ là dấu hiệu bắt đầu cho tinh thần bước ra khỏi vùng an toàn của ông Moriyasu. Ở thời điểm Nhật Bản khao khát có bàn thắng, vị chiến lược gia này quyết định đưa ra những lựa chọn tất tay của mình.

Mitoma vào sân thay hậu vệ lão làng Yuto Nagatomo và chơi đúng ở vị trí wing-back biên trái, Ritsu Doan – một tiền vệ tấn công, vào sân thay tiền vệ trung tâm Tanaka, rồi sau đó là sự có mặt của Takumi Minamino thay thế cho wing-back phải Hiroki Sakai.

Ngay trước thời điểm có bàn thắng quân bình tỉ số, Nhật Bản chơi với 6 cầu thủ đều có thiên hướng tấn công trên sân. Cặp wing-back của họ là Mitoma và Ito, Daichi Kamada được kéo xuống khu vực giữa sân, trong khi Minamino, Doan và Takuma Asano liên tục tăng tốc để di chuyển vào khoảng trống sau lưng hàng hậu vệ của ĐT Đức.

Gần như tất cả những nhân sự trên mặt trận tấn công của Nhật Bản được HLV Moriyasu sử dụng trên sân.

Gần như tất cả những nhân sự trên mặt trận tấn công của Nhật Bản được HLV Moriyasu sử dụng trên sân.

Cú đá thành bàn của Ritsu Doan là minh chứng rõ rệt nhất cho phong cách sử dụng nhân sự của ông Moriyasu. Mitoma nhận bóng sát hành lang cánh trái, tự tin đi bóng vào khu vực trung lộ, Minamino quyết đoán ở pha di chuyển theo chiều sâu của mình. Và khi Doan dứt điểm, đã có tới 5 cầu thủ tấn công của Nhật Bản xâm nhập vòng cấm địa đối phương.

Số lượng nhân sự trong vòng cấm của Nhật Bản.

Số lượng nhân sự trong vòng cấm của Nhật Bản.

Đội tuyển Đức có thể nói là đã quá tự tin với thế trận của mình sau khi hiệp 1 kết thúc. Họ không tạo ra được áp lực đủ lớn trên phần sân của đối phương khi Nhật Bản triển khai bóng, và rồi để lộ ra những điểm yếu ở tuyến dưới, với chất lượng phòng ngự cá nhân không quá xuất sắc của những người như Sule hay Schotterbeck.

Giống với chiến thắng của Saudi Arabia trước Argentina, việc chấp nhận rủi ro đã mang đến cho Nhật Bản của HLV Moriyasu thành quả. Những sự thay đổi xuất sắc của vị chiến lược gia vốn nổi tiếng bảo thủ này là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến chiến thắng kì tích của Nhật Bản.

Tác giả: Thành Vũ
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật