Tiêu điểm

4 hiệp hội ngành chăn nuôi kiến nghị bỏ quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y


4 hiệp hội ngành chăn nuôi vừa gửi kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội đề xuất bỏ quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.

Ngày 12/3/2024, Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã có công văn kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cho chỉnh sửa quy định công bố hợp quy với mặt hàng thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Trong thời gian chờ sửa Luật, thì cho phép tạm ngừng việc thực hiện công bố hợp quy với mặt hàng thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.

4 Hiệp hội ngành chăn nuôi kiến nghị bỏ quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi

4 hiệp hội ngành chăn nuôi kiến nghị bỏ quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi

Lý do mà các hiệp hội đưa ra đó là việc công bố hợp quy các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý hiện nay là hoàn toàn hình thức, mang nặng tính đối phó của người dân, doanh nghiệp đối với các quy định của Nhà nước.

Việc đánh giá công bố hợp quy sản phẩm là quá trình đánh giá điều kiện và quy trình sản xuất, lấy mẫu điển hình để thử nghiệm. Tuy nhiên, đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y hiện nay việc đánh giá này đã được các cơ quan nhà nước đánh giá công nhận đủ điều kiện khi cơ sở đi vào sản xuất kinh doanh và tiếp tục được đánh giá giám sát duy trì trong quá trình sản xuất kinh doanh, trong đó có cả biện pháp lấy mẫu đại diện để thử nghiệm về các chỉ tiêu an toàn theo quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật và chỉ tiêu chất lượng công bố để giám sát và xử lý các vi phạm. Do vậy, việc đánh giá công bố hợp quy đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y của các tổ chức chứng nhận hợp quy như hiện nay là trùng lặp và chồng chéo.

Mặt khác, trong các cơ sở sản xuất thì dây chuyền công nghệ chế biến thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y hầu như ổn định, nhưng nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y thì liên tục thay đổi. Ví dụ sắn rẻ thì dùng nhiều sắn, ngô rẻ, cám rẻ thì dùng nhiều ngô, cám….

Do vậy, việc tổ chức chứng nhận hợp quy đến nhà máy chỉ lấy mẫu thử nghiệm của lần đánh giá đó để chứng nhận cho cả quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm sẽ không có tính đại diện.

Đó là chưa kể, hiện nay các tổ chức chứng nhận hợp quy đến đánh giá cho một cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi hoặc thuốc thú y có tới cả hàng trăm sản phẩm đăng ký lưu hành, nhưng chuyên gia đánh giá chỉ đến chứng kiến thực tế quy trình sản xuất của một vài sản phẩm trên dây chuyền để lấy mẫu thử nghiệm, còn hầu hết các sản phẩm còn lại là do chủ cơ sở tự phối trộn, tự chuẩn bị để các tổ chức chứng nhận lấy mẫu về phân tích cho đủ hồ sơ công bố, chứ chẳng chứng minh được vấn đề gì.

Trong khi đó chi phí cho việc đánh giá công bố hợp quy đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi và thuốc thúy là rất tốn kém. Chỉ tính riêng phần chi phí phân tích thử nghiệm mẫu đã là rất lớn.

Cụ thể, với thức ăn chăn nuôi hoặc thuốc thú y dao động từ 2-4 triệu đồng/sản phẩm và từ 10 - 20 triệu đồng/sản phẩm vắc xin của lần đánh giá công nhận và còn lấy mẫu thử nghiệm trong đánh giá duy trì, đánh giá lại khi kết thúc chu kỳ sản phẩm là 3 năm.

Nếu tính cho 1 doanh nghiệp có hàng trăm sản phẩm và cả ngành chăn nuôi, thú y có hàng ngàn cơ sở sản xuất thì chi phí này đã mất tới hàng trăm tỷ đồng, chưa kể làm mất thời gian và sự nghiêm túc của người dân, doanh nghiệp trong thực thi pháp luật.

 
Bài viết liên quan