Tỉnh Đắk Lắk đang phấn đấu xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (Ảnh: BMT) |
Sau 49 năm ngày giải phóng (10/3/1975 - 10/3/2024), thành phố Buôn Ma Thuột đã không ngừng phát triển lớn mạnh về mọi mặt, từng bước trở thành một đô thị trung tâm của tỉnh Đắk Lắk có vai trò quan trọng về nhiều mặt đối với cả nước nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng.
Theo quy hoạch, tỉnh Đắk Lắk xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí là trung tâm vùng và đầu mối giao thương, hợp tác trong khu vực tam giác Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia.
Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên, đồng thời sẽ đầu tư lên quy mô cấp vùng một số lĩnh vực như du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ…
TP Buôn Ma Thuột đang không ngừng phát triển lớn mạnh về kinh tế - xã hội (Ảnh: BMT) |
Theo UBND thành phố Buôn Ma Thuột, năm 2024, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai cơ chế chính sách đặc thù của thành phố theo Nghị quyết số 72/2022/QH15, ngày 15/11/2022 của Quốc hội.
Đồng thời, từng bước đưa thành phố phát triển theo hướng đô thị văn minh, hiện đại, sinh thái, bản sắc, là thành phố đáng sống, đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính Trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 67. Trong đó, thành phố xác định 32 nhiệm vụ, đề án trọng tâm và 17 dự án trọng điểm để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trong giai đoạn tới.
Với sự chủ động của UBND thành phố Buôn Ma Thuột, đến nay có 8/17 dự án trọng điểm ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 đã bố trí vốn kế hoạch đầu tư công, trung hạn giai đoạn 2021-2025, như: Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh tuyến đoạn tránh phía Đông; Đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột… với tổng mức đầu tư khoảng 32 nghìn tỷ đồng.
Các dự án còn lại dự kiến đưa vào các quy hoạch cấp tỉnh, cấp vùng và cấp quốc gia để có cơ sở triển khai thực hiện trong giai đoạn tới.
Buôn Ma Thuột khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử trong phát triển kinh tế - xã hội (Nguồn buonmathuot.gov) |
Bên cạnh đó, để tạo động lực mới phát triển tỉnh Đắk Lắk nói chung và thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng, một số dự án trọng điểm có tính chất vùng, liên vùng có tác động lan tỏa sẽ được tập trung triển khai thực hiện như: Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Bệnh viện Trung ương; Khu dịch vụ hậu cần trung chuyển (logistics), công nghiệp công nghệ cao gắn với nghiên cứu sinh học và công nghệ chế biến nông lâm sản; phát triển Cảng hàng không Buôn Ma Thuột…
Có thể khẳng định, cùng với những thành quả phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống cây xanh đô thị của Buôn Ma Thuột là kết quả của tầm nhìn xa chiến lược của các thế hệ lãnh đạo tỉnh và thành phố trong nhiều thập kỷ là minh chứng cho quá trình phát triển.
Buôn Ma Thuột được đánh giá là một trong những đô thị có tỷ lệ cây xanh cao nhất cả nước, với 25.750 cây, tỷ lệ cây xanh toàn thành phố là 17,21 m²/người, nội thành là 8,27 m²/người và đang tiếp tục tăng lên, đóng góp tích cực vào việc lọc sạch không khí, giảm bụi giao thông, chống biến đổi khí hậu, giảm ngập úng và tạo điểm nhấn đô thị, góp phần phát triển mục tiêu “Buôn Ma Thuột - Đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên”.