Tiêu điểm

Bài 3: Sinh viên khởi nghiệp với tinh thần tự lực, tự cường


Trong hành trình khởi nghiệp, kiến thức và công nghệ là điều kiện cần nhưng tinh thần tự lực, tự cường mới là nền tảng giúp người trẻ kiên trì vượt khó, làm chủ tương lai.

Start-up bắt đầu từ giảng đường

Khởi nghiệp không còn là khái niệm xa lạ trong các trường đại học. Ngay từ năm nhất, nhiều sinh viên đã ấp ủ ý tưởng, tham gia cuộc thi khởi nghiệp, học cách viết đề án kinh doanh, trải nghiệm bước đầu trên hành trình lập nghiệp.

Tại Trường Đại học Mở Hà Nội (HOU), đồng hành cùng sinh viên trong hành trình lập thân, lập nghiệp, ngoài việc giáo dục, đào tạo kiến thức chuyên môn, nhà trường còn tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm trang bị kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp cho các bạn trẻ ngay từ khi còn trên giảng đường.

Mới đây, nhà trường tổ chức diễn đàn “Hành trình sinh viên khởi nghiệp 2025” với chủ đề “Sinh viên HOU - Sáng tạo và Bứt phá” không chỉ truyền cảm hứng mà còn tạo ra môi trường kết nối thực tế giữa sinh viên, doanh nhân và nhà đầu tư. Diễn đàn đã thu hút đông đảo các chuyên gia, chủ doanh nghiệp, cựu sinh viên tham gia, chia sẻ kiến thức khởi nghiệp, lập nghiệp cho sinh viên.

Từ năm 2018, nhà trường triển khai Đề án Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp năng động. TS Nguyễn Minh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết: Đến nay, nhà trường đã xây dựng một nền tảng vững chắc để phát triển phong trào khởi nghiệp thông qua các hoạt động như tổ chức Câu lạc bộ Sinh viên khởi nghiệp (HSH), tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo về khởi nghiệp cho sinh viên toàn trường; tập huấn, đào tạo kỹ năng mềm, cuộc thi khởi nghiệp.

Diễn đàn

Diễn đàn “Hành trình sinh viên khởi nghiệp 2025” của HOU tạo cơ hội cho sinh viên được giao lưu, học hỏi, tích lũy kiến thức khởi nghiệp

Nhà trường xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp, thiết lập mạng lưới liên kết với các chuyên gia và các doanh nghiệp…Qua đó đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của sinh viên, tạo sân chơi bổ ích, ươm mầm và phát triển các ý tưởng của sinh viên trở thành hiện thực.

Kết quả không chỉ nằm ở số lượng ý tưởng, mà còn là chất lượng và giá trị thực tiễn. Những dự án như App Caso - ứng dụng chăm sóc người cao tuổi (2020), Smart Wheel Chair (2022), German For U (2024), hay Finance Challenge - bộ trò chơi giáo dục tài chính (2021)… không chỉ giành giải cao ở các cuộc thi toàn quốc mà còn khẳng định tầm nhìn và bản lĩnh khởi nghiệp của sinh viên HOU.

Năm nay, 2 dự án xuất sắc là Easy-Comm - Nền tảng giao tiếp hỗ trợ cho người khiếm thính và ZhaoYi - Ứng dụng hỗ trợ thuê phiên dịch viên tiếng Trung Quốc lọt vào Vòng chung kết SV-Star-tup toàn quốc lần thứ VII… Tất cả là minh chứng rõ ràng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả thầy và trò Nhà trường trong hành trình khởi nghiệp.

Bạn Lê Thị Thanh Huyền, sinh viên HOU chia sẻ: “Khởi nghiệp là hành trình tự lực không ngừng. Em không có vốn, không có mối quan hệ là những “người khổng lồ” nhưng có đam mê và niềm tin. Em đã thất bại nhiều lần nhưng từ đó học được cách đứng dậy, sửa sai và đi tiếp”.

Tự lực, tự cường - tinh thần cốt lõi của khởi nghiệp trẻ

Tinh thần tự lực, tự cường là một giá trị truyền thống của dân tộc, nay trở thành “chìa khóa sống còn” trong môi trường kinh doanh hiện đại, nơi cạnh tranh khốc liệt và đổi mới là yêu cầu thường trực.

Theo các chuyên gia, người trẻ khởi nghiệp cần biết tự học, tự vươn lên khi chưa có ai “chống lưng”. Trong bối cảnh kinh tế tư nhân được xác định là động lực tăng trưởng theo Nghị quyết 68/NQ-TW, tinh thần vượt khó và đổi mới sáng tạo cần được coi là bản sắc của thế hệ doanh nhân trẻ.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học như: Trường Đại học Mở Hà Nội; Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội… đã tích cực lồng ghép khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, thành lập các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp. Sinh viên tại đây không chỉ học lý thuyết, mà còn được trải nghiệm mô hình thực tiễn, kết nối nhà đầu tư và thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận sinh viên thiếu tự tin, chưa dám dấn thân.

ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 7

Các đội thi giành giải thưởng tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 7

Một số khác bị rào cản tài chính, thiếu kỹ năng quản trị, chưa có người hướng dẫn, nên dễ nản chí. Trong dòng chảy sôi động của hệ sinh thái khởi nghiệp, ngày càng nhiều bạn trẻ lựa chọn khởi nghiệp từ đam mê, từ cộng đồng, hoặc từ chính những giá trị văn hóa bản địa.

Bạn trẻ Trần Văn Lực, sinh viên ngành Khoa học máy tính (Đại học Bách khoa Hà Nội) là một điển hình tiêu biểu. Tại ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 7, Lực đã khiến nhiều người ấn tượng bởi hành trình biến đam mê thành doanh nghiệp.

Ngay từ năm nhất, Lực và nhóm bạn đã tích cực tham gia các câu lạc bộ nghiên cứu, các phòng thí nghiệm sáng tạo trong trường. Họ bắt tay thực hiện dự án “Hệ thống giám sát và duy trì độ tỉnh táo cho tài xế bằng công nghệ sóng não”, nhằm giải quyết một vấn đề nhức nhối trong giao thông. Đến tháng 10/2024, họ thành lập doanh nghiệp và gọi vốn thành công.

“Từ một sinh viên tỉnh lẻ còn lạ lẫm với đô thị, mình đã dần trưởng thành để trở thành CEO một công ty khởi nghiệp. Điều thay đổi lớn nhất chính là tư duy dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi và nắm bắt cơ hội và không có giới hạn nào cho những người dám ước mơ”, Lực chia sẻ.

Câu nói “Khởi nghiệp ở tuổi 20, 21 - tại sao không?” của Lực như một “tuyên ngôn” cho thế hệ trẻ hôm nay tự tin, năng động và luôn sẵn sàng viết lại câu chuyện của chính mình và không có giới hạn nào cho người dám ước mơ.

Tiếp sức sinh viên khởi nghiệp

Nghị quyết số 68/NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân, nhấn mạnh thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội; nuôi dưỡng và khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của mọi người dân; khẩn trương đưa chương trình đào tạo khởi nghiệp kinh doanh vào các cơ sở giáo dục, đào tạo, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong học sinh, sinh viên.

Các chuyên gia, nhà đầu tư chia sẻ kinh nghiệm

Các chuyên gia, nhà đầu tư chia sẻ kinh nghiệm, khích lệ sinh viên khởi nghiệp

Anh Nguyễn Văn Hưng (Kỹ sư công nghệ thông tin, tại Hà Nội) cho rằng: Nghị quyết 68 chính là cú hích cho những bạn trẻ sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn. Trong bối cảnh chuyển đổi số, kinh tế sáng tạo và AI đang định hình thế giới mới, sinh viên không chỉ tham gia mà còn phải là lực lượng kiến tạo mô hình phát triển kinh tế tư nhân hiện đại. Khởi nghiệp không chỉ là hành động kinh tế mà còn là thái độ sống: Dám nghĩ khác, dấn thân để thay đổi tư duy, tạo ra giá trị. Mỗi dự án, dù nhỏ, cũng có thể là viên gạch dựng xây nên một nền kinh tế đa dạng, bản sắc và đầy hy vọng.

Các chương trình như “Thanh niên khởi nghiệp”, “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, “Khởi nghiệp thanh niên nông thôn”… do Trung ương Đoàn phát động, cùng những hoạt động tại Hà Nội như: Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo, Hội chợ OCOP, cuộc thi đổi mới sáng tạo… đang tiếp sức mạnh mẽ cho sinh viên.

Tất nhiên, khởi nghiệp không phải con đường trải hoa hồng. Những khó khăn về vốn, pháp lý, thị trường luôn hiện hữu nhưng thế hệ Gen Z có điểm mạnh đặc biệt: Tư duy linh hoạt, tinh thần “thử nhanh - sửa nhanh”, không ngại khởi đầu nhỏ và luôn tìm cách tạo ra dấu ấn riêng.

Những người từng trải trên hành trình lập nghiệp khẳng định rằng: Khởi nghiệp hôm nay là câu chuyện về đổi mới tư duy, hành động vì cộng đồng, khát vọng vươn lên bằng nội lực và hành trình ấy bắt đầu từ một điều rất giản dị: Tin rằng mình có thể làm được điều gì đó có ý nghĩa, không chỉ cho bản thân, mà cho xã hội và với sinh viên, bạn trẻ tinh thần tự lực, tự cường chính là “vốn liếng” quý giá nhất.

 

 

Link bài gốc Copy link