Thời điểm "nóng" vi phạm an toàn thực phẩm
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội hiện có 76.807 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn TP thành lập hơn 900 đoàn thanh, kiểm tra. Kết quả, có 82.426 cơ sở được thanh, kiểm tra, hậu kiểm, trong đó 72.183 cơ sở đạt chiếm tỷ lệ 87,5 %, phát hiện 10.240 cơ sở vi phạm với 6.578 cơ sở bị phạt tiền hơn 14 tỷ đồng.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 của thành phố Hà Nội kiểm tra lưu mẫu thực phẩm tại bếp ăn bán trú trường THCS Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì |
Các hành vi vi phạm chủ yếu: Khu vực chứa đựng, trưng bầy hàng hóa không đầy đủ giá kệ. Các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn chưa thực hiện gửi bản cam kết đảm bảo quy định về ATTP; hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến thực phẩm; vi phạm các điều kiện chung bảo đảm ATTP; khu vực bếp có côn trùng động vật gây hại ghi nhãn sản phẩm không đúng…
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, thời gian qua, TP đã duy trì công tác bảo đảm ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn TP tại 100% các phường, thị trấn trên địa bàn TP, 60 tuyến phố văn minh bảo đảm ATTP tại 30 quận, huyện, thị xã.
Kết quả giám sát các tiêu chí ATTP được cải thiện, Tổ giám sát đã tư vấn, giám sát 100% các bữa cỗ, tổ chức tư vấn hướng dẫn thực hiện các quy định về ATTP tại các gia đình tổ chức bữa cỗ tập trung đông người và 31.112/31.112 bữa (đạt 100%) được ký cam kết về ATTP.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội thời gian qua cũng đối mặt với không ít khó khăn. Do có quy định cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (hộ kinh doanh) không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nên có nhiều doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn chuyển thành loại hình hộ kinh doanh. Việc chuyển đổi mô hình sản xuất giúp họ “né” được việc không phải xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và điều này đã gây khó khăn trong công tác quản lý.
Ngoài ra, nhân lực triển khai tại quận, huyện, thị xã được phân công theo dõi về chất lượng, an toàn thực phẩm đa số đều kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên trách và chuyên môn phù hợp, luôn thay đổi vị trí công tác. Việc xử lý vi phạm ở tuyến xã, phường, thị trấn đã được đẩy mạnh nhưng kết quả còn hạn chế. Tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm ATTP từ tỉnh khác vào Hà Nội tuy giảm nhưng vẫn diễn ra…
Tăng cường thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, từ nay đến cuối năm, Sở Y tế Hà Nội sẽ đẩy mạnh phối hợp liên ngành, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, cảnh báo nhanh sự cố về an toàn thực phẩm trên toàn thành phố, quy chế phối hợp giữa các sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã.
Đồng thời, Sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất và tiến hành kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm…
Tăng cường công tác thanh tra định kỳ, đột xuất và tiến hành kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ảnh minh họa) |
Đặc biệt, hiện Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đang tới gần, đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu… Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã gia tăng sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm.
Trước thực tế đó, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân 2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 295/KH-UBND về bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân năm 2024.
Kế hoạch nhằm tăng cường thanh tra, kiểm tra kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; đảm bảo tốt công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân.
Theo Kế hoạch, từ ngày 15/12/2023 đến hết ngày 15/3/2024, Ban Chỉ đạo Công tác an toàn thực phẩm thành phố sẽ tiến hành nắm bắt tình hình công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội Xuân năm 2024 tại địa phương.
Trong đó, Ban Chỉ đạo đặc biệt chú trọng các địa bàn trọng điểm có tổ chức các lễ hội xuân lớn trên địa bàn thành phố tại Tây Hồ, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Sơn Tây...
Đối tượng thanh tra, kiểm tra gồm: các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.
Trọng tâm là cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Giáp Thìn và các lễ hội; các cơ sở dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các cơ sở xung quanh khu vực tổ chức lễ hội xuân lớn.
Ban Chỉ đạo thành lập 4 đoàn liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, các quận, huyện, thị xã cũng thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân năm 2024 tại các xã, phường, thị trấn. Ở cơ sở, các xã tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra tại các lễ hội, cơ sở phục vụ, dịch vụ, cơ sở bán lẻ...; chợ và thức ăn đường phố trên địa bàn theo phân cấp.