Tiêu điểm

Buôn Đôn nâng chất sản xuất, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới


Với đặc thù của một huyện vùng biên, những năm qua, ngành nông nghiệp huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk luôn chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành chuỗi giá trị, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, làm giàu cho nông dân.

Nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Đắk Lắk, huyện Buôn Đôn giáp với Campuchia với đường biên giới dài 47,6 km. Xuất phát điểm với nhiều khó khăn, tuy nhiên, sau gần 3 thập kỷ nỗ lực, huyện đã và đang kế thừa truyền thống của vùng đất huyền thoại, từng bước phát triển toàn diện.

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Từ một nền kinh tế thuần nông, tự cung tự cấp, nghèo nàn lạc hậu của những ngày đầu mới thành lập huyện, đến nay kinh tế của Buôn Đôn đã chuyển sang hướng sản xuất hàng hóa. Các loại cây trồng như cà phê, tiêu, các loại cây ăn quả… được xác định là cây trồng chủ lực của huyện.

Những năm qua, huyện Buôn Đôn luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 10%/năm, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp.

-9375-1692083623.jpg

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Buôn Đôn đang mang lại hiệu quả ngày càng tích cực.

Theo thống kê của UBND huyện, đến nay, thu nhập bình quân đầu người tại địa phương đạt trên 33 triệu đồng/năm, tăng gấp 39 lần so với khi mới thành lập huyện. Trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều trang trại chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập cao.

Điền hình, gia đình anh Y Ken, buôn Trí B, xã Krông Na, từ một hộ còn nhiều khó khăn, những năm qua, nhờ được hưởng lợi từ đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện Buôn Đôn, hiện đang làm chủ mô hình trồng cây ăn trái có múi với quy mô trên 2 ha.

Anh Y Ken cho hay, năm 2017, được hỗ trợ giống cây cam, quýt, bưởi, phân bón, anh đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích vườn tạp của gia đình sang phát triển mô hình trồng cây ăn trái có múi theo hướng hàng hóa. Sau 3 năm canh tác, nhờ nắm vững kỹ thuật, ứng dụng hiệu quả kiến thức được học, các loại cây trồng của gia đình anh đều sinh trưởng tốt, cho năng suất cao.

“Kể từ năm 2019 đến nay, bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu về 150-200 triệu đồng, đời sống từ đó cũng liên tục được nâng lên, không còn phải đi làm thuê nữa”, anh Y Ken hồ hởi nói.

Tương tự, trước đây, gia đình bà H’Tdri Byă thuộc diện hộ nghèo của xã, cuộc sống chỉ trông chờ vào 4 sào rẫy nên thiếu thốn đủ bề. Năm 2010, gia đình được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò mẹ làm vốn. Sau mỗi năm bò sinh sản, bà đều giữ lại bê cái nuôi làm giống. Hiện, gia đình bà đang có 3 bò mẹ sinh sản.

“Nhờ chăm chỉ làm ăn, đến nay, gia đình tôi không những vươn lên thoát nghèo, mà mỗi năm còn để dành được khoảng 30 triệu đồng từ nguồn bán bò thịt và phân bò”, bà H’Tdri Byă bộc bạch.

Liên kết để tăng sức mạnh

Đáng chú ý, xuất phát từ những thế mạnh nông nghiệp tại địa phương, nhiều hộ nông dân huyện Buôn Đôn đã liên kết thành lập HTX, mở ra hướng sản xuất ổn định, phát triển thị trường hàng hóa, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho các thành viên và hộ dân liên kết.

Đơn cử, những năm qua, HTX Nông nghiệp và Du lịch Phú Nông, xã Ea Nuôl đã khai thác rất tốt tiềm năng thủy sản và trồng cây ăn trái trên vùng ven hồ thủy điện Sêrêpốk 3, từ đó hướng thành viên và nông dân liên kết phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với du lịch sinh thái..

Hiện tại, trong lĩnh vực trồng trọt, HTX triển khai trồng các loại cây ăn trái chủ lực như cam, quýt, bòn bon, ca cao, xoài, ổi, chuối… theo hướng VietGAP, hữu cơ. Nhờ sản xuất khoa học, vùng trồng trọt của HTX luôn duy trì giá trị bình quân 100 - 150 triệu đồng/ha/năm.

Cùng với trồng trọt, HTX tận dụng tiềm năng của hồ thủy điện Sêrêpốk 3 để phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng hàng hóa gắn với an toàn sinh thái. Vào mùa thu hoạch, mỗi ngày, HTX xuất ra thị trường hàng tấn cá tươi, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

-6886-1692083623.jpg

Diện mạo nông thôn mới huyện Buôn Đôn đang ngày càng khởi sắc. 

Tương tự, để thoát khỏi tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, từ năm 2021, người dân thôn Ea Duất (xã Ea Wer) đã chủ động liên kết với nhau, thành lập HTX Heo rừng Buôn Đôn, với 7 thành viên.

Các thành viên đều tự đầu tư trồng ngô, cỏ voi… để có nguồn thức ăn dự trữ quanh năm cho đàn heo. Nhờ vậy khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao, việc phát triển chăn nuôi của HTX không bị ảnh hưởng. Hiện, trung bình mỗi năm HTX bán khoảng 1.500 - 2.000 con heo giống, với giá hơn 1,5 triệu đồng/con, mang lại nguồn thu lớn và lợi nhuận cao cho các thành viên.

Ông Nguyễn Văn Phóng, Giám đốc HTX cho hay, HTX đã ký kết hợp đồng với HTX Chăn nuôi heo rừng Tây Nguyên (huyện Ea Kar) và liên kết với 2 trại chăn nuôi heo rừng tại tỉnh Hưng Yên để cung ứng, bao tiêu sản phẩm, thuận lợi cho việc cung ứng con giống ra thị trường các tỉnh phía Bắc.

Bên cạnh cung cấp con giống, HTX đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm heo thịt và tiếp tục hướng đến sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn của chương trình OCOP để tập trung mở rộng chuồng trại, quy mô chăn nuôi, tạo ra những sản phẩm chủ lực, hiệu quả cao.

Phát triển nhanh và bền vững

Theo Phòng NN&PTNT huyện Buôn Đôn, việc phát triển kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn luôn được huyện quan tâm, đẩy mạnh, trong đó nòng cốt là HTX. Huyện đã thành lập được 23 HTX; các tổ hợp tác và câu lạc bộ khởi nghiệp liên kết hoạt động tích cực.

Bên cạnh đẩy mạnh phát triển các HTX, tổ hợp tác, huyện Buôn Đôn đang tập trung xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, từng bước hình thành chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2023 được coi là năm bản lề đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu giữa nhiệm kỳ thực hiện các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng bộ huyện.

Theo đó, để hoàn thành mục tiêu, huyện Buôn Đôn đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, trong đó thực hiện hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy lợi thế về nông nghiệp để tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra sản phẩm…

Ngành nông nghiệp sẽ khuyến khích phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị nông sản. Tận dụng mặt nước để phát triển ngành nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Phối hợp triển khai dự án hệ thống sử dụng nước tưới từ hồ Thủy điện Sêrêpốk 3 để tưới cho các loại cây trồng và phục vụ dân sinh trên địa bàn huyện...

Sáu Ngạn

Bài viết liên quan