Tiêu điểm

Cần vào cuộc rốt ráo, tháo gỡ bất cập cải tạo chung cư cũ


Các ngành cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn về thể chế trong việc triển khai cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ; điều chỉnh định mức, đơn giá về môi trường, thoát nước, cây xanh… nhằm phù hợp hơn với thực tiễn triển khai.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU Nguyễn Doãn Toản phát biểu tại hội nghị

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU Nguyễn Doãn Toản phát biểu tại hội nghị

Ngày 10/1, Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025” (Chương trình số 03) đã tổ chức hội nghị giao ban, đánh giá kết quả thực hiện năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành: quận, huyện: Ba Đình, Hoàng Mai, Hà Đông, Gia Lâm… đã trao đổi, đề xuất một số giải pháp cho các chỉ tiêu khó.

Trong đó, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội Vũ Duy Tuấn cho biết, liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch, thành phố đang triển khai 5 dự án nguồn và tích cực đôn đốc 10 đơn vị triển khai cấp nước cho các xã còn lại trên địa bàn TP theo hình thức xã hội hóa, thời gian thực hiện hoàn thành giai đoạn 2023-2025. Đến hết năm 2023, tổng nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho TP đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày- đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn. Khu vực nông thôn, đã có 289/413 xã (khoảng 90%) người dân được tiếp cận nguồn nước sạch từ việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung của TP.

Đến nay, các vướng mắc trong cấp nước sạch cho người dân đều đã được giải quyết, bảo đảm tới đầu năm 2025 sẽ hoàn tất các chỉ tiêu về nước sạch đã cam kết thực hiện tại chương trình.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến hết năm 2023 đạt 19,5% (510 triệu lượt khách), trong khi Chương trình 03 đặt chỉ tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30 -35%. Đây là chỉ tiêu rất khó khăn bởi các vướng mắc trong hoàn thiện các tuyến đường sắt đô thị, buýt BRT và mạng lưới xe buýt công cộng.

Về đường sắt đô thị, đến nay, thành phố Hà Nội mới hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác vận hành tuyến 2A và đang thi công xây dựng 2 tuyến (tuyến 2.1 và tuyến 3.1) với chiều dài 37km/417,8km tổng chiều dài toàn hệ thống theo quy hoạch. Các dự án còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tuy nhiên tiến độ còn chậm.

Trong khi đó, đối với phương tiện công cộng truyền thống như xe buýt không tiếp cận được thêm nhiều khách hàng do thời gian đợi xe và di chuyển bị kéo dài, đặc biệt trong khung giờ cao điểm, biểu đồ vận hành xe chưa đảm bảo. Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của TP đang trong quá trình đầu tư xây dựng, dẫn đến phục vụ vận tải hành khách công cộng chưa đồng bộ, chưa phát huy được lợi thế và chi phí đi lại so với phương tiện cá nhân.

“Năm 2024, sẽ có “mảnh ghép” quan trọng cho giao thông công cộng là xe đạp công cộng. Sắp tới, ngoài phục vụ xe đạp công cộng tại các ga đường sắt và quận trung tâm, Sở Giao thông vận tải sẽ triển khai 2 đường dành riêng cho xe đạp công cộng là tuyến dọc đường Láng và đường xung quanh công viên Hòa Bình”- Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản - Phó trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU nhận định, chỉ tiêu khó hiện nay là vận tải hành khách công cộng. Mục tiêu đặt ra vận tải hành khách công cộng đạt từ 30 đến 35% là với điều kiện đưa vào vận hành 4 tuyến đường sắt đô thị, nhưng đến nay mới có 1 tuyến được vào vận hành, đã tạo ra những khó khăn trong đạt được tỷ lệ Chương trình đã đề ra. Cùng với đó, nguồn lực đầu tư nguồn hệ thống xe buýt công cộng vốn có hạn, giá vé không tăng… nên các ngành cần có giải pháp tính toán khả thi trong thời gian tới.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng chỉ ra, hệ thống dự án xử lý nước thải còn chậm, không đẩy nhanh tiến độ các gói thầu cũng tạo ra khó khăn hoàn thành chỉ tiêu. Do đó, đề nghị các sở, ngành cùng chủ đầu tư tháo gỡ các khó khăn.

Đối với các chỉ tiêu khác, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU đề nghị các đơn vị rà lại kế hoạch năm 2024, triển khai thực hiện “rốt ráo” các việc, để Ban Chỉ đạo có kế hoạch phân công kiểm tra cụ thể. Ban Cán sự UBND TP và các cấp, các ngành ưu tiên nguồn lực cho các dự án nằm trong Chương trình số 03 của Thành ủy. Các ngành tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn về thể chế trong việc triển khai cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ; điều chỉnh định mức, đơn giá về môi trường, thoát nước, cây xanh… nhằm phù hợp hơn với thực tiễn triển khai.

Tác giả: Lam Dương
Bài viết liên quan