Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Lâm Sáng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn xung quanh vấn đề này.
![]() |
Ông Đinh Lâm Sáng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn |
Chợ miền núi không chỉ là nơi mua bán
- Là một địa phương khu vực miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, thời gian qua, việc phát triển chợ đã được địa phương quan tâm ra sao? Hiện nay, bức tranh phát triển chợ ở địa phương như thế nào, thưa ông?
Ông Đinh Lâm Sáng: Bắc Kạn là một tỉnh miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, theo đó, loại hình kinh doanh chợ truyền thống không chỉ có vai trò đối với hoạt động kinh doanh hàng hóa mà còn cả yếu tố văn hóa, xã hội. Hiện nay, cùng chung xu thế phát triển, bên cạnh loại hình kinh doanh chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại cũng được hinh thành, tuy nhiên, chợ truyền thống vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tinh. Bởi vì chợ, về phương diện xã hội, còn là nơi thể hiện, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc, là nơi gắn kết các bộ phận dân cư khác nhau theo nơi cư trú, nghề nghiệp, qua đó chợ có vai trò như một yếu tố đảm bảo sự phát triển chung của cộng đồng một cách hài hòa.
Chợ còn là nơi phản ánh phong tục tập quán của mỗi địa phương, chợ là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, người dân đến chợ không chỉ với mục đích là mua bản hàng hóa mà còn để giao tiếp, gặp gỡ người thân, trao đổi công việc. Tại tỉnh miền núi như Bắc Kạn đến phiên chợ, bà con vẫn cùng nhau đi chợ, "chơi chợ" mà không phải chỉ để mua bán. Ngoài ra, chợ miền núi cũng là nơi tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.
Với vai trò quan trọng của chợ đối với đời sống xã hội và phát triển kinh tế của tỉnh, trong thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm đầu tự, cải tạo, nâng cấp các chợ. Trong đó, về nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ hầu hết đều từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn kết dư ngân sách xã, nguồn vốn 135, nguồn vốn từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) như Chương trình MTQG giảm nghèo; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...).
Thu hút đầu tư vào chợ còn khó khăn
- Ngoài nguồn ngân sách địa phương, thời gian qua, việc thu hút đầu tư vào chợ nói riêng và hệ thống phân phối tại địa phương đã được triển khai như thế nào? Đến nay, hiệu quả thu được là gì?
Ông Đinh Lâm Sáng: Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, nguồn đầu tư xây dựng chợ chủ yếu là từ nguồn ngân sách nhà nước (với 63/64 chợ đầu tư từ nguồn ngân sách), chỉ có 01 chợ đầu tư hoàn toàn từ nguồn vốn tư nhân. Ví dụ như, trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 07 chợ nâng cấp, cải tạo, sửa chữa với tổng kinh phí 18,76 tỷ đồng đều từ nguồn ngân sách nhà nước.
Đối với các chợ đầu tư từ ngân sách khi giao các đơn vị quản lý chợ cũng có sự đóng góp đầu tư từ nguồn vốn tư nhân nhưng chủ yêu là sửa chữa, cải tạo nhỏ từ đơn vị quản lý chợ hoặc tiểu thương kinh doanh tại chợ tự sửa chữa, cải tạo nhỏ phần diện tích điểm kinh doanh tại chợ.
![]() |
Với địa phương miền núi như Bắc Kạn, chợ không chỉ là nơi kinh doanh buôn bán mà còn là nơi lưu giữ văn hoá địa phương |
Đối với hệ thống phân phối khác như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp được đầu tư từ nguồn vốn tư nhân, tuy nhiên quy mô còn nhỏ.
Thực tế trên là do hoạt động thương mại - dịch vụ của tỉnh chưa thực sự sôi động, kinh tế - xã hội chưa thật sự phát triển, do đó chưa đủ thu hút đầu tư xây dựng từ các nguồn vốn tư nhân để đầu tư xây dựng các chợ trên địa bàn tính. Số chợ được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa từ nguồn vốn tư nhân còn ít, tập trung ở địa bàn thành phố và trung tâm các huyện trên địa bàn tinh.
Cần ưu tiên nguồn vốn Chương trình MTQG cho xây dựng chợ
- Với ý kiến cho rằng, nguồn kinh phí chính là khó khăn lớn nhất của các địa phương miền núi trong xây dựng hệ thống phân phối nói chung, chợ nói riêng. Từ thực trạng địa phương, ông chia sẻ gì về vấn đề này?
Ông Đinh Lâm Sáng: Quả thực hiện nay, đối với phát triển hệ thống phân phối nói chung, phát triển chợ miền núi nói riêng, nguồn kinh phí chính là khó khăn lớn nhất của các địa phương.
Thực trạng chợ của tỉnh Bắc Kạn cho thấy, hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, nguồn vốn 135, nguồn vôn các Chương trình mục tiêu quốc gia ...).
Tuy nhiên, kinh phí xây dựng các chợ còn hạn chế nên hầu hết chỉ xây dựng các hạng mục chính (nhà đình chợ, bê tông hóa nền nhà đinh chợ, tường bao chợ...), các hạng mục phụ trợ khác chưa được đầu tư như: Nhà vệ sinh, hệ thống thoát nước thải, hệ thống xử lý rác thải, nhà điều hành chợ, hệ thống điện, nước sạch, nền chợ khu vực kinh doanh ngoài trời, biển tên chợ, hệ thống phòng cháy chữa cháy tại chợ...
Hiện nay, đối với các chợ được xây dựng từ năm 2010 trở về trước, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp (mái nhà đình chợ, cột trụ nhà đình chợ, nền bê tông đình chợ, tường bao...), nhiều hạng mục không còn sử dụng được (nhà vệ sinh, lò đốt rác thải, hệ thống cấp nước, hệ thống điện, hệ thống thoát nước thải...). Trong khi đó, kinh phí nâng cấp, cải tạo các chợ còn hạn chế, nên nhiều chợ không còn đáp ứng nhu cầu kinh doanh tại chợ, hoạt động kinh doanh của các tiểu thương và nhân dân gặp nhiều khó khăn
Bên cạnh đó, việc thu hút nguồn vốn tư nhân còn rất hạn chế do hiệu quả kinh doanh tại chợ chưa cao. Nguồn thu từ hoạt động của chợ (giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ) rất thấp, do chợ trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chợ họp theo phiên (5 ngày/1 phiên; mỗi tháng 5-6 phiên) nên nguồn thu chỉ đủ cho duy trì hoạt động của bộ phận quản lý chợ, thực hiện vệ sinh môi trường tại chợ, không có kinh phí để lại cho duy tu, sửa chữa chợ.
![]() |
Cần nguồn vốn nhiều hơn để đầu tư vào chợ khu vực miền núi, vùng dân tộc |
Những năm gần đây, thực hiện các Chương trình MTQG, các địa phương đã quan tâm đề xuất kinh phí cho đầu tư xây dựng, cải tạo chợ. Theo đó, bộ mặt các chợ nông thôn cũng dần có sự thay đổi tích cực, khang trang, sạch sẽ, văn minh hơn, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu mua sắm của người dân. Tuy nhiên, các nguồn ngân sách nói trên cũng chưa thể đáp ứng được hết cho nhu cầu đầu tư, cải tạo, nâng cấp chợ trên địa bàn tỉnh.
Do đó, đối với những tỉnh miền núi, thương mại dịch vụ còn chậm phát triển, việc có cơ chế thu hút, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân vào đầu hạ tầng thương mại nói chung, đầu tư chợ nói riêng là rất cần thiết.
- Thời gian tới, ông có những kiến nghị gì với các cơ quan quản lý nhà nước để việc phát triển chợ ở địa phương đạt được những kết quả tốt nhất?
Ông Đinh Lâm Sáng: Nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội, thay mặt Sở Công Thương Bắc Kạn, tôi đề nghị Bộ Công Thương Tham mưu Chính phủ về phối hợp các bộ, ngành liên quan rà soát,/bổ sung và hoàn thiện các văn bản pháp luật về phát triển và quản lý chợ, phù hợp với điều kiện thực tiễn từng vùng miền, đặc biệt là các tỉnh miền núi, phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, vì hiện nay, sự tham gia của nguồn vốn tư nhân vào phát triển hạ tầng thương mại của tỉnh Bắc Kạn còn hạn chế.
Xây dựng chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và cá nhân tham gia đầu tư, khai thác và quản lý chợ, đặc biệt là chợ nông thôn.
Bên cạnh đó, kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn từ các chương trình MTQG để cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới các chợ tại vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số do các chợ trên địa bàn tỉnh đều đang xuống cấp, cần được nâng cấp, cải tạo. Ví dụ như, trong thời gian qua, Bộ Công Thương triển khai chương trình "Chợ thí điểm an toàn thực phẩm" trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã phát huy hiệu quả tích cực và tỉnh mong muốn được nhân rộng.
Có cơ chế để huy động nguồn vốn xã hội hóa thông qua các hình thức đối tác công tư (PPP), tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển chợ.
Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xây dựng, cải tạo chợ, đảm bảo việc phát triển chợ đúng định hướng, không gây lãng phí hoặc mất cân đối hạ tầng.
Hướng dẫn thực hiện đối với địa phương về Nghị định về phát triển và quản lý chợ, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản chợ đối với các chợ do Nhà nước đầu tư để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chợ và chuyển đổi mô hình quản lý chợ được hiệu quả.
Đề xuất tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý chợ, tiêu thương nhằm nâng cao năng lực tổ chức, quản lý, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, thanh toán, truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Tăng cường khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để số hóa thông tin về hàng hóa, hoạt động của các tiêu thương, giúp nâng cao hiệu quả kết nối và quản lý.
Xin cảm ơn ông!
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có tổng số 64 chợ, trong đó có 01 chợ hạng 1, 04 chợ hạng 2 và 59 chợ hạng 3. Về cơ bản, các chợ đều phát huy hiệu quả trong việc thu hút, tập trung hàng hóa từ các nguồn sản xuất, kinh doanh tại địa phương cũng như các tỉnh khác trong cả nước; đáp ứng được nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa và tiêu dùng của nhân dân. |