Khmer Times hôm 16/10 đưa tin cảnh sát Campuchia đã trấn áp hơn 10.000 ổ cờ bạc bất hợp pháp trên khắp đất nước kể từ khi chính phủ bắt đầu chiến dịch truy quét trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 15/9. Khoảng 13.000 người đã bị phạt cải tạo.
Ông Sok Phal, Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ kiêm chủ tịch lực lượng đặc nhiệm trấn áp các ổ cờ bạc bất hợp pháp và buôn người, cho biết chính quyền sẽ tiếp tục hành động quyết liệt và chiến dịch sẽ kéo dài cho đến ngày 1/7 năm sau.
Ông cũng cho biết cơ quan chức năng sẽ tích cực truy tìm kẻ cầm đầu các tổ chức tội phạm này.
Trong cuộc phỏng vấn với Zing nhìn lại hơn một tháng chiến dịch truy quét tội phạm cờ bạc và buôn người của Campuchia, bà Lindsey Kennedy - Giám đốc hãng tư vấn nghiên cứu và điều tra TePonui Media - đánh giá những gì Campuchia đạt được là "đáng khích lệ", nhưng vẫn có nhiều điểm cần lưu ý nếu muốn thật sự đẩy lùi tệ nạn này.
Bà Kennedy là đồng tác giả của các báo cáo cho Sáng kiến Toàn cầu Chống Tội phạm Có tổ chức Xuyên quốc gia (GITOC) - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Geneva - về buôn người và tội phạm liên quan đến sòng bạc ở khu vực sông Mekong. Là nhà báo điều tra về buôn bán người, các bài viết của bà được đăng trên Guardian, HuffPost, Al Jazeera và NPR,...
Bước tiến tích cực
- Điều gì đã khiến chính phủ Campuchia chọn thời điểm vừa qua để truy quét các cơ sở cờ bạc bất hợp pháp sử dụng lao động cưỡng bức?
- Nguyên nhân phần lớn đến từ việc báo cáo Tình hình Mua bán người 2022 (còn gọi là báo cáo TIP, do Bộ Ngoại giao Mỹ soạn thảo - PV) được công bố vài tuần trước đó.
Bà Lindsey Kennedy, Giám đốc hãng tư vấn nghiên cứu và điều tra TePonui Media, và là đồng tác giả của báo cáo cho GITOC về buôn người và tội phạm liên quan đến sòng bạc ở khu vực sông Mekong. Ảnh: Lindsey Kennedy.
Thời gian trước, Campuchia nằm trong danh sách theo dõi cấp 2, có nghĩa nước này được cho là chưa nỗ lực cải thiện các vấn đề xung quanh nạn buôn người.
Năm nay, báo cáo TIP đã nâng cấp độ theo dõi tại Campuchia lên cấp 3, mức cao nhất.
Khi được đưa vào danh sách theo dõi bậc 3, một quốc gia có thể sẽ không nhận được các khoản viện trợ quốc tế từ Mỹ như USAID và những khoản hỗ trợ khác.
Campuchia cũng đang thu hút rất nhiều sự chú ý từ quốc tế vì thực tế là nạn buôn người tại nước này đã gia tăng so với trước. Tới nay, đại sứ quán nhiều nước và các phương tiện truyền thông quốc tế đã lên tiếng về vấn đề này, nhiều đến mức đủ để chính phủ Campuchia hiểu rằng họ cần phải làm gì đó.
- Sau hơn một tháng Campuchia mở chiến dịch truy quét các hang ổ cờ bạc trái phép và buôn người, bà đánh giá thế nào về hiệu quả của chiến dịch?
- Chính phủ Campuchia đã đóng cửa được nhiều cơ sở cờ bạc bất hợp pháp khét tiếng ở Sihanoukville. Điều này rất đáng khích lệ, nhưng tôi không rõ chúng có liên quan thế nào đến các trang web trò chơi trực tuyến bất hợp pháp và lừa đảo qua mạng. Tôi cũng chưa nghe nói về bất kỳ vụ bắt giữ nào đối với ông chủ hay nhà đầu tư của các cơ sở này.
Tuy nhiên, chính phủ Campuchia cuối cùng đã nhận thức được tình trạng nạn buôn người, đồng thời thấy được sự cần thiết giải cứu nạn nhân và đóng cửa các trung tâm lừa đảo. Đây là bước tiến rất tích cực và là điều đáng để ăn mừng.
Tôi hy vọng chính phủ Campuchia sẽ tiếp tục duy trì sức ép và đóng cửa các trung tâm phi pháp, dù chúng thuộc về ai đi nữa.
Lực lượng chức năng lấy lời khai 78 công dân Việt Nam được phía Campuchia bàn giao tại cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) hôm 11/10. Ảnh: V.T.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
- Sau đợt truy quét này, các nhóm tội phạm buôn người ở Campuchia có thể chọn nơi nào tiếp theo để lập hang ổ mới?
- Khi một số hang ổ tội phạm bị đột kích, chúng đã gần như trống không. Vì vậy, khó mà nói chiến dịch truy quét lần này của Campuchia có thể đặt dấu chấm hết cho các tổ chức tội phạm. Tôi nghĩ rằng nhiều hang ổ trong số đó đang chuyển đi nơi khác.
Điều quan trọng là chính phủ cần duy trì áp lực, tiếp tục theo dõi và truy quét cho dù các tổ chức tội phạm có di chuyển địa điểm đi chăng nữa.
Tôi lo ngại các khu vực hẻo lánh của Campuchia dọc theo biên giới Việt Nam và Thái Lan có thể là điểm đến tiếp theo của các nhóm tội phạm buôn người.
Tuy nhiên, bên ngoài Campuchia, Myanmar có thể trở thành trung tâm an toàn mới cho các hang ổ lừa đảo qua mạng. Cũng có một số dấu hiệu cho thấy điều này đang xảy ra ở Philippines, Malaysia và khắp Đông Nam Á.
Biện pháp lâu dài
- Chính phủ của những quốc gia bị ảnh hưởng bởi nạn buôn người nên hợp tác với nhau như thế nào?
- Chính quyền các nước cần ngồi lại với nhau để nhìn nhận tốt hơn vấn nạn này, cũng như để ngăn chặn người dân bị lừa ngay từ đầu.
Ví dụ, ở một số vùng lãnh thổ như Đài Loan (Trung Quốc), các nhà chức trách sẽ đặt ra nhiều câu hỏi cho người muốn xuất cảnh để cố tìm hiểu những người này sẽ làm việc gì ở nước ngoài, cũng như làm sao họ biết đây là công việc chân chính.
Tuy nhiên, công tác này có thể khó hơn ở các đường biên giới trên đất liền vì nạn nhân thường vượt biên bất hợp pháp. Tôi hy vọng chính phủ các nước trong khu vực sẽ nhìn vào bài học của Campuchia để tránh gặp phải những điều tương tự.
Bên trong một casino ở Bavet, Campuchia. Ảnh: Ngọc Tân - Hiếu Duy.
- Chính phủ Campuchia cần có biện pháp gì để đảm bảo loại tội phạm này sẽ không "hồi sinh" sau chiến dịch truy quét?
- Để ngăn chặn điều này tiếp tục xảy ra, chính phủ Campuchia cần chú ý 6 điều sau.
Một, thực thi quyền của người lao động và đảm bảo rằng người lao động không thể bị chủ lao động giữ lại trái ý muốn trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Hai, không trao quốc tịch và ngừng cấp giấy phép sòng bạc cùng SEZ (Special Economic Zones - đặc khu kinh tế) cho công dân nước ngoài từng có tiền án tại quê nhà về tội phạm có tổ chức nghiêm trọng hoặc rửa tiền.
Ba, điều tra và truy tố thích đáng chủ sở hữu các công ty đã được xác nhận là lừa đảo, các sòng bạc và chủ bất động sản đã cho họ thuê ký túc xá và văn phòng, cũng như những cảnh sát tiếp tay cho dạng tội phạm này.
Bốn, đóng băng tất cả tài sản, như bất động sản và tài khoản ngân hàng, liên quan đến các hoạt động lừa đảo này cho đến khi quá trình điều tra kết thúc.
Năm, thực thi các lệnh cấm bán và cấm sử dụng vũ khí (như súng) đối với người không thuộc lực lượng thực thi pháp luật, cũng như đảm bảo sòng bạc và nhân viên trong SEZ không được trang bị vũ khí trong bất kỳ trường hợp nào.
Sáu, hợp tác đầy đủ với những quốc gia khác nơi các công ty lừa đảo trực tuyến này có khả năng chuyển đến tiếp theo, ví dụ như Lào và Myanmar.
Các casino ở Bavet chủ yếu thuộc sở hữu của chủ đầu tư người Hoa, được đầu tư nở rộ do chính sách ưu đãi của chính phủ Campuchia với các hoạt động kinh doanh cờ bạc. Ảnh: Ngọc Tân - Hiếu Duy.
- Một số người cho rằng báo chí càng vào cuộc, những nạn nhân còn mắc kẹt ở các cơ sở lừa đảo tại Campuchia sẽ càng bất lợi, ví dụ mức tiền chuộc sẽ càng tăng do ngày càng ít người bị lừa. Bà có bình luận gì trước ý kiến này?
- Nguyên nhân các cơ sở này tăng tiền chuộc là bởi chúng lừa được ít người qua Campuchia hơn.
Vì vậy, người lao động trái phép lúc này sẽ bị bán từ công ty này sang công ty khác. Mỗi lần như thế, các cơ sở này sẽ tăng tiền chuộc thân thêm 1.000 USD hoặc hơn để lấy lãi. Điều này gây thêm khó khăn cho những người đang mắc kẹt trong đường dây.
Nhưng nguyên nhân khiến tiền chuộc thân ngày càng cao cũng chính là bởi hoạt động phản ánh của báo chí và các bên khác đã thực sự giúp làm giảm số nạn nhân mới.
Đúng là việc đưa các nạn nhân hiện tại ra ngoài khó khăn hơn trước và chúng ta cần nghĩ thêm biện pháp khác. Tuy nhiên, việc tiếp tục phản ánh thực sự quan trọng vì rõ ràng là hoạt động của báo chí đang phát huy hiệu quả. Nhờ báo chí, người ta sẽ không tìm đến những nơi này nữa.