Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tóm tắt
Sáng nay, 11-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng".
Trình bày báo cáo tóm tắt, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh - Phó Trưởng đoàn giám sát cho biết, đoàn đã tổ chức giám sát trực tiếp tại một số bộ, ngành, địa phương; làm việc với Chính phủ để làm rõ các thông tin, số liệu và thống nhất nội dung kết quả giám sát.
Kết quả giám sát cho thấy, công tác huy động nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 đã được thực hiện chủ động, góp phần kịp thời đáp ứng yêu cầu, mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, cấp bách của đại dịch.
Đã có hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch. Các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác dưới nhiều hình thức, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền.
Công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực huy động để phục vụ cho công tác phòng chống dịch về cơ bản đã được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, theo đúng các chủ trương, chính sách đã ban hành…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp
Đặc biệt, các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết bị chậm được điều chỉnh dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai từ sau các vụ việc tiêu cực phát sinh. Còn xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau, có vụ việc đến mức phải xử lý hình sự. Vướng mắc về thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán chưa được các cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn kịp thời…
Báo cáo cũng nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm chính trong các tồn tại, hạn chế. Đoàn giám sát đã nêu ra 6 bài học kinh nghiệm với 27 bài học cụ thể cùng với việc đề xuất 2 nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế và về tổ chức thực hiện.
Cho ý kiến tại phiên họp về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị báo cáo cần chỉ rõ khoảng trống pháp luật là những khoảng trống nào?
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Y tế, các cơ quan của Chính phủ cho ý kiến thêm đánh giá này, nếu không sẽ rơi vào tình trạng làm không được thì đổ cho hệ thống pháp luật. Tuy hệ thống pháp luật vẫn còn chưa hoàn thiện, đồng bộ, nhưng chủ yếu vẫn là văn bản dưới luật và sự điều hành cụ thể.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp ý tại phiên họp
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, một số nội dung trong báo cáo giám sát còn chung chung, cần sửa đổi để làm rõ vấn đề, quy rõ trách nhiệm một cách cụ thể, rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nhấn mạnh phạm vi giám sát là rất rộng, liên quan đến cả việc huy động, sử dụng, quản lý nguồn lực, thanh quyết toán nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19… Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đoàn giám sát lưu ý trình bày rõ hiện trạng thanh quyết toán các nguồn trong và ngoài nước, làm rõ còn bao nhiêu nguồn chưa được thanh quyết toán, bao nhiêu chưa được chi trả, có thất thoát, sai phạm gì không?
"Hiện nay, trong báo cáo giám sát chưa làm rõ các thông tin liên quan đến nội dung này, chưa đưa ra địa chỉ cụ thể về các địa phương, cơ quan, đơn vị còn tồn tại, hạn chế…" - Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng, cung cấp số liệu cụ thể để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Cũng qua thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cần bổ sung đánh giá về việc huy động, quản lý, sử dụng Quỹ vaccine Covid-19 trong báo cáo này để giúp có cái nhìn chi tiết, tổng thể hơn, qua đó đưa ra các đề xuất tốt hơn...