Tiêu điểm

Đại biểu Quốc hội truy vấn Thống đốc về các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt


Trong phiên chất vấn các thành viên Chính phủ ngày 6/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nhận được nhiều câu hỏi truy vấn của đại biểu Quốc hội về tín dụng "ế ẩm", cơ chế room tín dụng chưa được gỡ bỏ có làm nảy sinh tiêu cực hay không; an toàn thanh khoản ngân hàng và nợ xấu…

Về tăng trưởng tín dụng, các đại biểu tỏ ra sốt ruột khi tín dụng tăng trưởng rất chậm. Theo đó, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đề nghị Thống đốc cho biết nguyên nhân và giải pháp của NHNN để tăng trưởng tín dụng đạt 14% như mục tiêu đề ra trong khi chỉ còn hai tháng nữa là hết năm 2023.

Còn đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) chất vấn thêm: NHNN đã thực hiện Nghị quyết Quốc hội yêu cầu nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) với các ngân hàng đến đâu.

Trong khi đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị Thống đốc NHNN cho biết việc duy trì room tín dụng có nguy cơ tạo cơ chế xin - cho và nảy sinh các tiêu cực khác hay không?

-9769-1699257149.jpg

Thống đốc NHNN trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn các thành viên Chính phủ ngày 6/11.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, lý do tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm thấp chủ yếu là do cầu tín dụng suy giảm, đơn hàng của doanh nghiệp giảm sút, khả năng khai thác cầu nội địa khó khăn do người dân khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại rút ngắn thủ tục cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, có kiến nghị các bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nguồn cung tín dụng được điều hành theo hướng thuận lợi nhất cho các ngân hàng cung tín dụng ra nền kinh tế.

Về việc phân bổ tín dụng, Thống đốc cho biết, room tín dụng là một trong các giải pháp điều hành của NHNN, cùng với các công cụ chính sách khác và được điều hành bám sát với chỉ đạo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.

Mức tăng trưởng tín dụng hàng năm được NHNN đưa ra định hướng từ đầu năm. Còn phân bổ hạn mức tín dụng dựa theo xếp hạng các tổ chức tín dụng, có tiêu chí rõ ràng về định lượng, định tính, quan trọng nhất là dựa trên kết quả xếp hạng các tổ chức tín dụng.

Mặc dù Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu NHNN tiến tới xóa bỏ room tín dụng, song NHNN đã tổ chức tọa đàm tham vấn ý kiến các chuyên gia kinh tế, các đại biểu Quốc hội và các ý kiến đều thống nhất ở thời điểm này chưa thể bỏ cách điều hành phân bổ chỉ tiêu tín dụng. Bởi hiện nay, nhu cầu vốn của nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng, tỷ lệ dư nợ trên GDP trên 120% GDP và đang ở mức cảnh báo theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Vì vậy, nếu bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng có thể tín dụng sẽ tăng rất mạnh, có thể rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.

Theo Thống đốc, vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm và có nhiều hội nghị phát triển thị trường vốn để phát triển phân khúc khác của thị trường vốn như trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo nhu cầu vốn trung và dài hạn. Còn các tổ chức tín dụng chủ yếu cung ứng nguồn vốn ngắn hạn và vốn lưu động.

"Chúng tôi tiếp tục điều hành bằng cách này đến khi các phân khúc khác của thị trường tài chính như trái phiếu doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu thì việc bỏ cách điều hành phân bổ chỉ tiêu tín dụng sẽ khả thi hơn", Thống đốc cho hay.

Bà Hồng cũng cho biết, để tránh nguy cơ tạo cơ chế xin - cho và nảy sinh các tiêu cực trong quá trình phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng, NHNN hàng năm có định hướng nhưng trên cơ sở này cũng có nguyên tắc chung, đó là xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, có một số tiêu chí khác như mặt bằng lãi suất giảm, tham gia vào quá trình tái cấu trúc... sẽ được cộng điểm.

Báo cáo Quốc hội trước đó, Thống đốc cũng cho hay, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô. Việc dỡ bỏ biện pháp này cần thận trọng, đảm bảo các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường.

Tham gia tranh luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ yên tâm khi nghe Thống đốc trả lời về tín dụng. Tuy nhiên, ông và cử tri lo ngại khi có 4 ngân hàng thương mại cổ phần đang trong vòng kiểm soát đặc biệt.

"Liệu các ngân hàng này có xảy ra như vụ SCB nữa hay không, để khách hàng gửi tiền yên tâm", ông Hòa chất vấn bà Hồng.

Thống đốc NHNN cho biết, việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là việc rất khó, chưa có tiền lệ, năng lực cán bộ còn hạn chế, cơ chế chính sách hỗ trợ cần sự giúp đỡ từ các cơ quan liên quan. Hiện nay, NHNN đang trong quá trình thực hiện theo tiến độ và trình các cơ quan liên quan.

Thanh Hoa

Bài viết liên quan