Tiêu điểm

Danh họa bí hiểm bậc nhất thế giới


Cuộc đời của Vermeer chỉ được biết đến qua một vài mốc thời gian liên quan vào các thời điểm chính của một tín đồ Kitô giáo.

Trong cuốn Johannes Vermeer (thuộc bộ sách về danh họa của Nhà xuất bản Larousse), hai tác giả Johann Protais và Éloi Rouseau đã tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của một trong những nghệ sĩ nổi danh và cũng bí hiểm bậc nhất thế giới.

Thông tin hiếm hoi về danh họa

Ngày nay, Vermeer - người đã mang hội họa Hà Lan đến đỉnh cao trong thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật nước này - được coi là một trong những nhân vật vĩ đại nhất của thế kỷ 17, ngang hàng với Rembrandt, Velázquez hay Ruben.

Bức Nghệ thuật hội họa (Họa sĩ trong xưởng vẽ) của Johannes Vermeer (khoảng 1666-1668) sơn dầu, 120 x 100 cm. Nguồn: wikimedia.

Bức Nghệ thuật hội họa (Họa sĩ trong xưởng vẽ) của Johannes Vermeer (khoảng 1666-1668) sơn dầu, 120 x 100 cm. Nguồn: wikimedia.

Tuy nhiên, bậc danh họa này lại không để lại bất cứ dòng hồi ký, thư từ, hay bức chân dung tự họa nào. Ông cũng không có học trò nào nhắc đến vì không có xưởng vẽ và không mở lớp dạy truyền nghề…

Cuộc đời của ông chỉ được biết đến qua một vài mốc thời gian liên quan vào các thời điểm chính của một tín đồ Kitô giáo. Theo đó, ông sinh ra và được ban tên thánh tại nhà thờ Neuve ở Delft vào ngày 31/10/1632. Ông là con thứ hai của Janszoon Vos, một người thợ dệt và bà De Digna Baltens.

Năm 20 tuổi, ông kết hôn với Catharina Bolnes tại Tòa thị chính thành phố Delft, ngày 5/4/1653. Cũng trong năm này, ông gia nhập phường hội Thánh Luke dưới mã số 78.

Vermeer mất và được an táng trong Nhà thờ Vieille Église (Oude Kerk), thành phố Delft, ngày 15/12/1675, để lại cho người vợ góa gánh nặng một gia đình đông con, ước tính có tới 11 đứa, trong đó 8 đứa còn rất nhỏ.

Vợ ông sau đó phải chịu vô số khó khăn tài chính từ những khoản nợ của chồng và bà buộc phải tuyên bố phá sản. Thương gia kiêm nhà khoa học Antoni Van Leeuwenhoek được chỉ định là người quản lý tài sản của Vermeer. Người ta biết được một vài chi tiết về đời sống vật chất của danh họa nhờ vào bản kiểm kê tài sản được biên vào năm 1676.

Bản kê được lập sau khi ông mất đã cho biết Catharina, hôn thê của ông, sinh trưởng trong một gia đình khá giả. Nhưng người ta cũng nhận đoán được ông từng gặp nhiều khó khăn lớn về tài chính. Bản kê khai đã tiết lộ rằng lúc cuối cuộc đời, ông đã đi Amsterdam để làm một hợp đồng vay mượn.

Ngoài những mốc thời gian này, tất cả chỉ là giả thuyết được chắp nối, suy diễn hoặc thuần túy là tưởng tượng. Người ta cũng cố lấp đầy những khoảng trống cuộc đời ông bằng các bức tranh và coi đó là câu trả lời.

Sách Johannes Vermeer. Ảnh: O.P.

Sách Johannes Vermeer. Ảnh: O.P.

Sự nghiệp và tác phẩm qua những suy đoán theo giả thuyết

Theo Johann Protais và Éloi Rousseau, thông tin về Johannes Vermeer quá ít nên việc đưa nhận định rõ ràng về cuộc đời và phác thảo tiểu sử sự nghiệp của ông là điều rất khó.

Chúng ta chỉ có thể dựa vào một vài con số chắc chắn như: Số lượng tranh được cho là của ông khoảng 30 bức. Các chuyên gia ước tính có khoảng 20 bức bị thất lạc hoặc bị mất. Điều này cho thấy di sản mà ông để lại không nhiều. Đồng thời nó cũng lý giải cho việc họa sĩ từng gặp nhiều khó khăn về tài chính.

Bên cạnh đó, có một chi tiết đáng chú ý, cũng như các họa sĩ đương thời, Vermeer cũng tham gia vào việc buôn bán tranh và thậm chí còn là chuyên gia về hội họa Italy cho một hoàng thân Đức giàu mạnh lúc đó, một tuyển đế hầu xứ Brandebourg.

Với các dữ kiện trên, Johann Protais và Éloi Rousseau đã đưa ra suy đoán: Với số lượng tác phẩm ít ỏi như thế, hẳn Vermeer đã dành nhiều thời gian để vươn tới sự hoàn hảo cần thiết hòng cạnh tranh với các nghệ sĩ cùng thời, những người được gọi là "họa sĩ cao quý". Có thể ông đã nhắm tới đối tượng khách hàng giàu có ưa chuộng các cảnh vẽ tinh tế, một nhóm những người sành sỏi nghệ thuật.

Trừ ba bức tranh Vermeer đã ký tên và chỉ ghi ngày tháng là: Tú bà, ký năm 1656, Nhà thiên văn học, năm 1668 và Nhà địa lý học, năm 1669, việc xác định thời gian cho các tác phẩm của ông chỉ là những phỏng đoán. Bức Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai được sáng tác khoảng năm 1665 hay 1666, trong khi bức Cô gái rót sữa được vẽ khoảng giai đoạn 1658-1660.

Bức Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai (khoảng 1665), sơn dầu, 44.5 cm × 39 cm. Nguồn: wikimedia.

Bức Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai (khoảng 1665), sơn dầu, 44.5 cm × 39 cm. Nguồn: wikimedia.

Để xác định thời gian, người ta thường sắp xếp các tác phẩm của Vermeer theo đề tài cảm hứng. Trên cơ sở ấy, người ta chia làm ba "thời kỳ".

Thời kỳ đầu gắn với một tác phẩm chủ đạo thời trai trẻ của Vermeer, đó là bức Tú bà. Thời kỳ này họa sĩ đang đi tìm chính mình. Ông chịu ảnh hưởng rất lớn từ Caravaggio và hội họa Italy.

 
Thời kỳ thứ hai khoảng cuối những năm 1650, Vermeer dường như đã tìm được cho mình một hướng đi riêng khi thoát khỏi ảnh hưởng của Italy. Ông vẽ những cảnh trong nhà với bố cục gần như không thay đổi: Vẫn cái ghế ấy, cái bàn ấy, cái cửa sổ ấy, những chi tiết lặp đi lặp lại của không gian "đậm chất Vermeer".

Thời kỳ cuối cùng, khoảng thời gian sau năm 1660, đây là giai đoạn chín muồi của Vermeer. Ông có nhiều tranh vẽ gương mặt phụ nữ, từ bình dân đến quý tộc, từ cô gái rót sữa đến gương mặt yêu kiều của các thiếu nữ chơi đàn. Có vẻ như Vermeer đã tìm thấy mẫu hình sáng tác để hoàn thiện cho dù cuối cùng nó cũng làm ông chán nản.

Từng bị chìm vào quên lãng và được khám phá lại

Sinh thời và sau khi mất không lâu, Vermeer được coi là một họa sĩ lớn. Sau cái chết của vợ ông, các tác phẩm của ông đã bị phân tán.

Năm 1696, Jacob Abrahamsz, một chủ xưởng in, đã bán 21 bức tranh của Vermeer mà ông ta được thừa kế ở Amsterdam. Sau đó, Vermeer biến mất, ông không có tên trong các cuốn từ điển về danh họa trong thế kỷ tiếp theo.

Một trong những người đầu tiên "khai quật" lại danh họa này không ai khác chính là Jean-Baptiste Lebrun, họa sĩ và cũng là nhà buôn tranh thế kỷ 18.

Tuy nhiên, người có công nhất trong việc tái khám phá và đưa Vermeer về đúng vị trí như ngày nay lại là Théophile Thoré-Bürger. Người đàn ông Pháp này là một nhân vật đầy màu sắc, giống như những người cùng thời, ông bị chia rẽ giữa phê bình nghệ thuật và báo chí chính trị.

Ông đã mang Vermeer trở lại với ánh hào quang, đặc biệt là ở Pháp. Năm 1886, ông đăng một chuyên khảo về danh họa này với 20 trang tâm huyết trên tập san Gazette des beauxarts (Những trang mới về mỹ thuật). Ông cũng có công lao đưa danh họa lỗi lạc thành Delft vào Bảo tàng Louvre với tác phẩm Cô gái dệt đăng ten năm 1870.

Như vậy, sau khi qua đời gần hai trăm năm, tiếng tăm của Vermeer mới lại được hồi sinh. Trong thế kỷ 19, người ta thích viết về Vermeer và đặc biệt là viết về những bức tranh bí ẩn của ông.

Tác giả: Minh Châu
Bài viết liên quan