Phù hợp với cơ sở thực tiễn
Ngày 24/5, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 80-KL/TƯ về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị nêu rõ, giải pháp thực hiện các quy hoạch cần gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô, gắn với Luật Thủ đô (sửa đổi).
Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh về việc tăng cường phân cấp, phân quyền, cơ chế thí điểm phù hợp, hiệu quả cho Thủ đô, trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư, tài chính, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, cơ chế hợp tác công tư, quy hoạch, đất đai, phát triển văn hoá, quản lý phát triển đô thị, quản lý trật tự xây dựng, giao thông, vệ sinh môi trường, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, dân cư, tổ chức bộ máy, cán bộ, biên chế nhằm tạo sự chủ động sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự lực, tự cường, tự chịu trách nhiệm, cơ chế kiểm soát quyền lực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Thủ đô Hà Nội.
Hiện, Quốc hội đang cho phép các thành phố như Đà Nẵng, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác được thí điểm thực hiện thẩm quyền về điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung khu chức năng theo các nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Nội dung có thể được điều chỉnh cục bộ đã được giới hạn cụ thể trong Luật Quy hoạch đô thị.
Vì vậy, việc dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định phân quyền cho UBND thành phố được điều chỉnh cục bộ các quy hoạch thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ là phù hợp và có cơ sở thực tiễn. Việc giao HĐND thành phố quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch là để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết, đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.
Thống nhất các nội dung phân quyền cụ thể
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có 7 chương và 54 điều. Dự thảo luật đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung để thực hiện chủ trương tăng cường phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội trên một số lĩnh vực. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, dự thảo Luật đã tập hợp, bổ sung, sắp xếp lại các quy định về nguyên tắc và các nội dung cụ thể về phân cấp, ủy quyền trong dự thảo luật do Chính phủ trình để quy định thành một điều riêng, bảo đảm rõ ràng về chủ thể, đối tượng, nội dung và trách nhiệm trong phân cấp, ủy quyền thay thế cho việc áp dụng các quy định về phân cấp, ủy quyền theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng |
Theo đó, dự thảo Luật phân quyền cho HĐND TP Hà Nội quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố (không bị giới hạn bởi quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ, cơ quan ngang Bộ về các nội dung liên quan nhưng phải bảo đảm phù hợp yêu cầu về mục tiêu, nhiệm vụ quản lý Nhà nước, mục tiêu cải cách hành chính Nhà nước và không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn).
Đặc biệt, dự thảo Luật còn phân quyền cho UBND thành phố phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều; phân quyền cho UBND thành phố quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao, ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do UBND thành phố thành lập.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng phân quyền cho cơ quan chuyên môn về y tế thuộc UBND thành phố thẩm định, cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố được áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cho phép áp dụng tại nước ngoài.
Đáng chú ý, dự thảo Luật phân quyền cho HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD; dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước kết hợp với nguồn vốn ngoài ngân sách, dự án đầu tư công liên tỉnh có mức vốn tối đa 20.000 tỷ đồng...
Với các quy định phân cấp, phân quyền mạnh mẽ như trên, nếu được thông qua, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô Hà Nội trong điều kiện và bối cảnh mới; người dân Hà Nội và người dân cả nước sẽ sớm được hưởng lợi từ các chính sách, giải pháp chính sách, cơ chế đặc thù này.