Trong diễn biến mới nhất liên quan đến việc Nga ngưng cung cấp khí đốt đến các nước châu Âu, Bồ Đào Nha bất ngờ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng đang đe doạ cựu lục địa.
Trong nhiều năm qua, bán đảo Iberia đã bị tách khỏi mạng lưới đường ống và nguồn cung khí đốt giá rẻ lớn của Nga dành cho phần lớn châu Âu. Do đó, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha buộc phải đầu tư mạnh mẽ vào các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời và thủy điện và thiết lập một hệ thống phức tạp để nhập khẩu khí đốt từ Bắc và Tây Phi, Mỹ và các nơi khác.
Tua bin gió ở Sintra, Bồ Đào Nha. Ảnh: NY Times.
Giờ đây, việc tiếp cận các nguồn năng lượng thay thế này đã mang lại ý nghĩa đáng kể. Hoàn cảnh thay đổi đang làm thay đổi cán cân quyền lực giữa 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU), tạo ra cơ hội cũng như căng thẳng chính trị khi khối này tìm cách chống lại đòn bẩy năng lượng của Nga, xử lý quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Theo New York Times, khi Brussels đang tìm cách xử lý cuộc khủng hoảng năng lượng, khả năng cung cấp thêm khí đốt đến châu Âu thông qua Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đang được chú ý.
Tây Ban Nha cũng có một mạng lưới đường ống lớn vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Algeria và Nigeria, cũng như các cơ sở lưu trữ lớn.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và người đồng cấp Đức Olaf Scholz đã gặp nhau trong tuần này để thảo luận về giá năng lượng đang tăng chóng mặt của châu Âu. Trong khi đó, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cho biết đường ống dẫn khí đốt mới từ khu vực Sines tới biên giới Tây Ban Nha có thể giúp châu Âu tự cung tự cấp năng lượng.