Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi châu Âu tăng trừng phạt Nga vì tiến hành "chiến tranh khí đốt" thay vì tìm cách trả lại tua-bin cho Gazprom.
Lời kêu gọi của ông Zelensky đực đưa ra sau khi Tập đoàn Gazprom tuyên bố sẽ giảm lưu lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) xuống còn 33 triệu m3 mỗi ngày, bằng khoảng 20% công suất đường ống, từ ngày 27/7. Điều này có nghĩa là giảm một nửa so với mức đã giảm hiện tạị.
Dòng chảy của Nord Stream đã bị giảm xuống 40% công suất kể từ tháng trước khi một tua-bin bị kẹt ở Canada do lệnh trừng phạt Nga. Tua-bin này vẫn đang ở Đức do chưa hoàn tất giấy tờ.
Gazprom sẽ giảm lưu lượng khí đốt vận chuyển qua Nord Stream 1 đến châu Âu xuống còn 20% từ ngày 27/7. Ảnh: Reuters
Gazprom cho biết họ đang tạm dừng hoạt động của một trong hai tua-bin do "vấn đề kỹ thuật trong động cơ". Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 25/7 nói với hãng tin TASS sẽ không cắt hoàn toàn lượng khí đốt xuất sang châu Âu, dù đang gặp trục trặc về các tua-bin.
Ngay sau thông báo của Gazprom, chính phủ Đức lên tiếng phản đối khi cho rằng không có lý do kỹ thuật nào liên quan quyết định cắt giảm lượng khí đốt từ Nga sang châu Âu. Theo Siemens Energy (Đức), công ty phụ trách việc bảo trì tua-bin, họ không thấy mối liên hệ nào giữa vấn đề tua-bin và việc cắt giảm khí đốt do Gazprom thực hiện hoặc công bố.
Trang Bloomberg nhận định Nga lại một lần nữa giảm mạnh dòng khí đốt qua đường ống dẫn khí sang Đức, qua đó nhắc nhở châu Âu về thách thức phải đối mặt trong xây dựng kho dự trữ năng lượng trước mùa đông. Không có tín hiệu nào từ Nga cho biết việc giảm giao khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 sẽ duy trì trong bao lâu.
Một trạm bơm khí ở Lubmin, Đức, thuộc dự án Nord Stream 1. Ảnh: AP
Liên minh châu Âu (EU) nhiều lần cáo buộc Nga sử dụng biện pháp "tống tiền năng lượng", trong khi Điện Kremlin nói rằng sự thiếu hụt là do các vấn đề bảo trì và ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo hãng tin Reuters, các chính trị gia châu Âu cảnh báo Nga có thể cắt đứt dòng khí đốt vào mùa đông này, bước đi có thể đẩy Đức vào suy thoái và dẫn đến giá cả tăng vọt khi người tiêu dùng vốn đang phải vật lộn với giá thực phẩm và năng lượng cao hơn.
Tuần trước, Đức buộc phải công bố gói cứu trợ trị giá 15 tỉ USD cho Uniper - công ty nhập khẩu khí đốt lớn nhất từ Nga.
Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Ả Rập Saudi và là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. Châu Âu nhập khẩu khoảng 40% khí đốt và 30% dầu từ Nga.