Tiêu điểm

Nghệ An: 822 cơ sở giết mổ, chưa đáp ứng quy chuẩn


Với 822 cơ sở giết mổ động vật ở Nghệ An, chưa đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm nên nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất lớn.

Nghệ An hiện có 822 cơ sở giết mổ động vật, nhưng theo quy chuẩn được của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành năm 2017, chưa có cơ sở nào đủ điều kiện giết mổ động vật tập trung.

170/ 822 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Theo quy định cũ thì vẫn có 41 cơ sở giết mổ tập trung đạt chuẩn (có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y; có cán bộ thú y thực hiện công tác kiểm soát giết mổ).

Tuy nhiên, nếu theo quy định tại QCVN 150:2017/BNNPTNT (Thông tư số 13/2017/TT-BNNPTNT ngày 20/6/2017) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung”, thì trên địa bàn toàn tỉnh chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung nào đạt chuẩn.

Nghệ An: 822 cơ sở giết mổ, chưa đáp ứng quy chuẩn
Một cơ sở giết mổ tại xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên đã phải dừng hoạt động do không hiệu quả.

Cụ thể, như về quy hoạch giết mổ đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt từ năm 2012, sau 11 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế do điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương đã có nhiều thay đổi.

Đặc biệt là sự thay đổi về cơ cấu ngành nông nghiệp, chưa phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các địa phương, địa điểm quy hoạch được phê duyệt bố trí chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn nên số lượng các cơ sở giết mổ được hình thành đi vào hoạt động theo quy hoạch còn thấp.

Với các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp tập trung đã xây dựng và đi vào vận hành nhưng hoạt động chưa hiệu quả, đầu tư dây chuyền máy móc chưa đồng bộ, chưa gắn với chế biến, chưa hình thành được chuỗi liên kết chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ, thậm chí có một số cơ sở đã ngừng hoạt động hoặc chuyển sang giết nhỏ lẻ tại hộ gia đình để duy trì hoạt động (Cở sở giết mổ tại xã Nghi Phú, cơ sở tại xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên...)

Trao đổi với PV Báo Công Thương, ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho biết: Các cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh Nghệ An không đạt chuẩn do chưa đáp ứng được các yêu cầu về vị trí, khoảng cách xa khu dân cư, thẩm quyền phê duyệt… Đặc biệt, trong 822 cơ sở giết mổ động vật hiện có, chỉ 170 cơ sở có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Việc xây dựng, phát triển và duy trì các lò giết mổ động vật tập trung rất khó khăn do nhiều nguyên nhân. Ngay từ năm 2012, tỉnh đã xây dựng Quy hoạch, có các chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, kết quả thực hiện được chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều cơ sở được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn do số lượng gia súc đưa vào giết mổ ít, không đủ chi phí để duy trì hoạt động”, ông Ngô Đức Quỳnh cho biết.

Nguy cơ mất an toàn

Thực tế công tác giết mổ động vật trên địa bàn Nghệ An còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khoẻ người tiêu dùng cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh đàn vật nuôi. Việc thực hiện công tác giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật, lấy mẫu để xét nghiệm chưa thường xuyên.

Cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tại xã Nghi Phú (TP Vinh).
Cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tại xã Nghi Phú (TP Vinh).

Một số cơ sở mặc dù có cam kết thực hiện các nhóm chỉ tiêu để cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thú y, đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng còn mắc những lỗi như: Việc ghi chép, lưu giữ hồ sơ, sổ sách về thông tin nguồn gốc động vật nhập về, chủ động vật, số điện thoại, tình trạng động vật… và sản phẩm động vật xuất đi còn sơ sài, không có hệ thống; công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường sản xuất chưa được thực hiện định kỳ hằng tuần.

Hệ thống thu gom rác thải, phòng chống động vật gây hại chưa hoàn thiện, chủ yếu vẫn giết mổ ở sàn, chưa có giết mổ treo. Hầu hết chưa định kỳ khám sức khỏe cho chủ cơ sở và người lao động trực tiếp tham gia sản xuất.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Nghệ An giết mổ khoảng trên 25.000 con gia súc, gia cầm (trâu, bò hơn 200 con, lợn trên 4.000 con, gia cầm trên 20.000 con và dê hơn 200 con). Trong đó, chỉ có chưa đầy 7.000 con được kiểm soát giết mổ. Số hộ giết mổ nhỏ lẻ quá nhiều, phân tán, trong khi lực lượng cán bộ thú y quá “mỏng” gây nhiều khó khăn cho hoạt động kiểm soát giết mổ động vật trên địa bàn.

 
Tác giả: Hoàng Trinh
Bài viết liên quan