Dự báo của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, vào mùa Hè, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trên địa bàn tăng mạnh nhưng nguồn cấp không đáp ứng đủ nên có thể gây thiếu nước ở nhiều khu vực, trên địa bàn các quận, huyện như Hà Đông, Thanh Xuân, Quốc Oai…
Theo đó, khi nhu cầu sử dụng nước sạch tăng cao vào mùa hè, nguồn cấp nước từ Nhà máy nước mặt Sông Đà không đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong phạm vi cấp nước hoặc gián đoạn cấp nước... sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ tại một số quận, huyện như Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai...
Người dân KĐT Hateco Xuân Phương thường xuyên thiếu nước sạch sinh hoạt
Cụ thể như, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có khu vực Nguyễn Khoái, đầu 3 phố Lò Đúc Lê Văn Hưu Hàn Thuyên, đê Tô Hoàng, Lê Thanh Nghị…; Khu vực quận Cầu Giấy có phường Quan Hoa, Nghĩa Đô;
Quận Bắc Từ Liêm có Phường Phú Diễn, Tây Tựu, Minh Khai;
Khi nguồn nhà máy nước Yên Phụ qua tuyến Hàng Than giảm 1.500-2.000m3/ngày đêm so với công suất hiện đang cấp (từ 21.000 đến 23.000m3/ngày đêm) thì khu vực Ô 22B, 23A sẽ bị ảnh hưởng cụ thể như khu vực Hàng Bồ, Đường Thành, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Tố, Hàng Điếu, Hàng Vải, Bệnh viện Việt Đức, Tràng Thi, Hai Bà Trưng, Hàng Trống…
Khu vực quận Hoàng Mai có phường Khương Đình, Khương Mai, Định Công, Phương Liệt, Thịnh Liệt; Nam Từ Liêm có Phú Đô, Mễ Trì, Mai Dịch, KĐT Mỹ Đình 2, Chung cư 183 Hoàng Văn Thái, Chung cư Hateco Xuân Phương…
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay, tổng công suất nguồn cấp nước sạch từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 1.530.000m3/ngày, đêm, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.
Dự kiến, thời gian cao điểm nắng nóng mùa hè năm nay, nhu cầu sử dụng nước của người dân khoảng 1.250.000-1.350.000m3/ngày, đêm nhưng khả năng phân phối nguồn nước chưa đồng bộ với nhu cầu sử dụng nước sạch tại các khu vực đô thị.
Sở Xây dựng đánh giá có nhiều nguyên nhân có thể xảy ra mất nước cục bộ trong mùa hè năm nay.
Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do nhà máy nước mặt sông Hồng giai đoạn 1 công suất 300.000m3/ngày, đêm chưa hoàn thành; giá bán buôn nước mặt sông Đuống cao hơn giá bán buôn nước mặt sông Đà nên Công ty Viwaco tập trung khai thác tối đa công suất của nhà máy nước mặt sông Đà, dẫn tới khu vực có cốt địa hình cao như Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức thiếu nguồn ở điều kiện bình thường...
Mới đây, Sở Tài chính Hà Nội có tờ trình gửi UBND Hà Nội đề xuất về phương án điều chỉnh giá nước sinh hoạt trên địa bàn.
Theo tờ trình, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) từ 5.973 đồng/m3 hiện nay sẽ tăng lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024;
Từ 10-20m3 (hộ/tháng) tăng từ 7.052 đồng/m3 lên 8.800 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 9.900 đồng/m3 vào năm 2024;
Từ 20-30m3 (hộ/tháng) tăng từ 8.669 đồng/m3 lên lần lượt mức 12.000 đồng/m3 và 16.000 đồng/m3.
Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 nếu sử dụng trên 30m3/hộ/tháng.