Tiêu điểm

Quảng Nam: Bảo tồn trang phục truyền thống đồng bào thiểu số


Tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực để bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Khôi phục lại trang phục truyền thống

Trải qua quá trình biến thiên của thời gian, trang phục truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số sống trên địa bàn huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đang dần bị mai một.

Mới đây, hội thảo mang tên “Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc” đang lần lượt được UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam tổ chức tại các xã nhằm lấy ý kiến tham vấn của các vị già làng, người có uy tín trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, huyện Nam Trà My thực hiện đề án khôi phục lại trang phục, trang sức truyền thống của cộng đồng các dân tộc người Xơ Đăng, Ca Dong, Mơ Nông.

Quảng Nam: Bảo tồn trang phục truyền thống đồng bào thiểu số
Các già làng tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo “Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc” .
Ảnh:
Trung tâm VHTT&TTTH huyện Nam Trà My

Già Nguyễn Thanh Phương người Ca Dong (70 tuổi, thôn 2, xã Trà Mai) không giấu được niềm vui mừng khi nghe địa phương đang tìm cách khôi phục lại trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong niềm vui chung ấy cũng xen lẫn nỗi niềm của một già làng năm nay đã ngoài 70 tuổi.

“Nếu chúng ta khôi phục được trang phục truyền thống thì giúp con cháu sẽ biết được gốc gác, nguồn cội của ông bà tổ tiên. Việc phục dựng trang phục cần có sự tham khảo của nhiều người xưa còn nhớ và hiểu rõ, nhưng giờ kiếm người biết thì rất ít cho nên chúng ta phải triển khai sớm, nếu không sợ mai sau không làm được nữa…” già Phương góp ý và tâm sự thêm, muốn trang phục truyền thống được khôi phục bài bản và gắn liền với đời sống của người dân thì nghề dệt thổ cẩm truyền thống cũng cần được quan tâm. “Bà con Ca Dong xưa giờ không có truyền thống dệt thổ cẩm nên mỗi khi dùng đồ xong hư hại lại không có chỗ mua nên mất dần….”.

Ông Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, việc tìm cách khôi phục lại trang phục truyền thống của cộng đồng các dân tộc là việc làm cấp bách, nhằm bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể lâu đời của bà con. Từ việc lấy ý kiến của già làng, người có uy tín làm cơ sở trang phục của mỗi cộng đồng sẽ được phục dựng trên tinh thần dân chủ, khách quan, bám sát với lịch sử và đời sống của người dân.

“Trên cơ sở lấy ý kiến của người dân, nhất là các vị già làng, người uy tín huyện sẽ cho phục dựng hoàn chỉnh bộ trang phục của mỗi cộng đồng các dân tộc. Và hàng năm huyện sẽ hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để đặt may trang phục”. Ông Phước nói.

Tạo môi trường cho trang phục truyền thống phô diễn vẻ đẹp

Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều giải pháp nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, trong đó có trang phục truyền thống. Tiêu biểu như Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, vừa qua Hội phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam tổ chức Liên hoan hát ru, hát dân ca cấp tỉnh lần thứ III và trình diễn áo dài truyền thống, trang phục dân tộc năm 2022.

Quảng Nam: Bảo tồn trang phục truyền thống đồng bào thiểu số
Các cô gái Cơ Tu trong sắc phục truyền thống. Ảnh: A Lăng Ngước

Bà Đặng Thị Lệ Thủy- Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Nam cho biết: “Việc tổ chức sự kiện này là dịp để các đơn vị giao lưu, học hỏi, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, đồng thời, phát hiện những cá nhân tiêu biểu trong phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, tiếp tục đẩy mạnh phong trào hát ru, hát dân ca, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh. Qua đó nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong các cấp hội nhằm triển khai các phong trào và đưa Nghị quyết đại hội đại biểu phụ nữ các cấp vào cuộc sống”. Ngoài ra, đây cũng là dịp hết sức đặc biệt để chị em đồng bào các dân tộc thiểu số đã mang đến nét đẹp đặc trưng riêng có nơi đại ngàn Trường Sơn bằng hoa văn, họa tiết của trang phục và trang sức.

Chị Lê Thị Huế - Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tây Giang hào hứng: “Với đồng bào Cơ Tu, tất cả trang phục, âm nhạc, đạo cụ trang sức…, đều gắn liền với đời sống sinh hoạt hằng ngày, với thiên nhiên đất trời. Do đó, đồng bào, nhất là chị em phụ nữ luôn ý thức gìn giữ, bảo vệ và tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống ấy. Mỗi dịp tham gia liên hoan là một lần chị em chúng tôi như được khoe sắc hương, được thăng hoa trong điệu lý ngàn đời của cha ông…”.

Với những giải pháp thiết thực, việc nỗ lực bảo tồn trang phục truyền thống đã và đang góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam.

 
Tác giả: Hạ Vĩ
Bài viết liên quan