Vịnh Hạ Long (thuộc tỉnh Quảng Ninh), di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp kỳ vĩ và giá trị địa chất, địa mạo toàn cầu mà còn là kho tàng văn hóa phong phú và độc đáo. Trong kỳ họp lần thứ 46 của Ủy ban Di sản Thế giới (tháng 7/2024), các chuyên gia quốc tế đã gợi ý, Quảng Ninh nghiên cứu, lập hồ sơ để UNESCO công nhận giá trị văn hóa của Vịnh Hạ Long. Đây được xem là cơ hội lớn để khẳng định vị thế của di sản trên bản đồ thế giới, đồng thời mở ra hướng phát triển kinh tế biển xanh bền vững, gắn liền với du lịch, dịch vụ biển và công nghiệp văn hóa.
Nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, khu vực Vịnh Hạ Long là một trong những cái nôi cư trú lâu đời của người Việt cổ. Những nền văn hóa tiền sử như Soi Nhụ (18.000 - 7.000 năm trước), Cái Bèo (7.000 - 5.000 năm trước) và Hạ Long (5.000 - 3.500 năm trước) đã phát triển tại đây. Nền văn hóa Hạ Long mang đậm dấu ấn bản địa nhưng đồng thời chịu ảnh hưởng của sự giao lưu văn hóa với các khu vực khác, đặc biệt ở giai đoạn muộn. Đây chính là một trong những yếu tố làm nên tính độc đáo của Vịnh Hạ Long - vừa là trung tâm văn hóa riêng biệt, vừa là "cửa ngõ" quan trọng trong tiến trình giao lưu và phát triển văn minh Việt cổ.
Phát triển kinh tế biển xanh và du lịch vùng vịnh Hạ Long. Ảnh: VietPower Travel |
Không chỉ là không gian cư trú, Vịnh Hạ Long còn là nơi diễn ra các hoạt động kinh tế, xã hội, và giao thương sôi động. Từ thời kỳ phong kiến, thương cảng Vân Đồn đã được thành lập vào thế kỷ XII (1149) dưới triều Lý Anh Tông, trở thành trung tâm giao thương quốc tế quan trọng trong suốt bảy thế kỷ.
Có thể thấy, Vịnh Hạ Long không chỉ giàu giá trị tự nhiên mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo. Các giá trị này bao gồm văn hóa sinh kế, văn hóa sinh thái, văn hóa nghệ thuật và văn hóa tâm linh.
Ngoài ra, các làng chài truyền thống tại khu vực này cũng là nguồn tài nguyên du lịch độc đáo, vừa giúp bảo tồn các giá trị văn hóa, vừa tạo sinh kế cho người dân. Những hoạt động như đánh bắt, chế biến thủy sản, hay các hình thức diễn xướng dân gian đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Trình diễn hát giao duyên trên thuyền ở làng chài Cửa Vạn trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Thu Hương |
Các chuyên gia nhận định rằng, Vịnh Hạ Long là một trong những địa điểm lý tưởng để phát triển kinh tế biển xanh - mô hình kinh tế dựa trên việc khai thác tài nguyên biển một cách bền vững, gắn với bảo tồn thiên nhiên và văn hóa.
Quảng Ninh đang từng bước kết hợp các giá trị văn hóa và thiên nhiên trong chiến lược phát triển du lịch. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu chỉ tập trung vào khai thác giá trị địa chất, địa mạo mà bỏ qua nguồn tài nguyên văn hóa, Quảng Ninh sẽ tự đánh mất một phần sức mạnh quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Sự kết hợp giữa giá trị thiên nhiên và văn hóa tại Vịnh Hạ Long không chỉ mang đến tiềm năng phát triển du lịch bền vững mà còn mở ra cơ hội xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa biển độc đáo. Những di sản văn hóa như làn điệu dân ca, phong tục tín ngưỡng, hay nghệ thuật ẩm thực vùng biển đảo Đông Bắc chính là tài sản quý báu cần được khai thác đúng cách.
Bên cạnh việc phát triển du lịch, các hoạt động kinh tế biển xanh như nuôi trồng thủy sản bền vững, chế biến thủy hải sản chất lượng cao và phát triển năng lượng tái tạo cũng được xem là những hướng đi tiềm năng.
Với sự kết hợp giữa di sản thiên nhiên và văn hóa, Vịnh Hạ Long có đầy đủ điều kiện để trở thành biểu tượng của nền kinh tế biển xanh bền vững. Để làm được điều này, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu, bảo tồn và quảng bá các giá trị di sản, đồng thời xây dựng các chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế biển.
Vịnh Hạ Long, với sự kết tinh của giá trị thiên nhiên và văn hóa, là một trong những báu vật vô giá của Việt Nam. Việc định hướng phát triển kinh tế biển xanh gắn với du lịch và dịch vụ biển không chỉ giúp nâng cao vị thế của di sản mà còn góp phần xây dựng một mô hình kinh tế bền vững, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.