Tiêu điểm

Sinh viên TP HCM tìm hiểu về văn hóa thế giới


Sáng 4/5, tại Nhà văn hóa Sinh viên (Khu đô thị Đại học Quốc gia TP HCM), Hội Sinh viên Việt Nam TP HCM và Thành đoàn TP HCM phối hợp cùng Nhà văn hóa Sinh viên tổ chức Ngày hội Văn hóa năm 2024.

Được xem như một sân chơi giao lưu, gắn kết, ngày hội giúp sinh viên TP HCM có môi trường trải nghiệm các nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam và các nước trên thế giới.

Ngày hội là dịp để sinh viên TP HCM tìm hiểu về văn hoá các nước bạn (Ảnh: Công Triệu)
Ngày hội là dịp để sinh viên TP HCM tìm hiểu về văn hoá các nước bạn (Ảnh: Công Triệu)

Đây cũng là dịp để các thế hệ trẻ có thể gần gũi hơn với văn hoá dân tộc thông qua hoạt động “Không gian triển lãm, trải nghiệm văn hoá Việt Nam - Nét dân gian” với triển lãm trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam, áo dài, cổ phục, nhạc cụ dân tộc; các gian hàng văn hoá dân gian như xếp lá dừa, nhuộm vải, làm bánh in, nặn tò he; các gian hàng trò chơi dân gian Việt.

Bên cạnh đó, ngày hội còn mang đến “Hoạt động giao lưu văn hóa các nước” gồm Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Ả rập, Úc, Ấn Độ, Lào, Campuchia, Nhật Bản Hàn Quốc...

Song song đó, nhiều hoạt động giúp nâng cao kiến thức cho sinh viên như hoạt động "Sách và bạn trẻ" với cuộc thi “Xếp sách nghệ thuật” cùng cơ hội giao lưu tác giả Dương Trọng Phúc - tác giả của cuốn sách “Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử”; diễn đàn tiếng nói sinh viên với chủ đề: “Sinh viên với văn hóa Việt Nam xưa và nay” và Workshop kỹ năng hội nhập và thích nghi trong môi trường đa văn hoá chủ đề “Bản lĩnh Văn hoá Việt”.

Về văn hoá nghệ thuật, ngày hội đã mang đến những không gian quảng bá, thưởng thức về âm nhạc dân tộc nước ta thông qua chương trình “Âm nhạc dân tộc học đường” và sân chơi “Tuổi xanh” năm 2024 với những tiết mục biểu diễn các loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam, như: Đờn ca tài tử Nam Bộ, nghệ thuật Cải lương, nghệ thuật Hát xẩm...

Hơn thế nữa, các sinh viên còn có thể thưởng thức vở diễn “Thành Thăng Long thuở ấy” tái hiện lịch sử 2 vương triều nhà Lý và nhà Trần, cùng nhân vật trung tâm là Lý Chiêu Hoàng - nữ hoàng đế đầu tiên và cũng là cuối cùng của nước ta tại chương trình Sử ca học đường.

Ngoài ra, chương trình còn có các hoạt động mang đậm chất sinh viên như: Lễ hội đường phố; Chợ phiên sinh viên và hoạt động câu lạc bộ - đội - nhóm nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết và ngoại giao cho sinh viên các trường.

 

 
Link bài gốc Copy link
 
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật