Tiêu điểm

Tăng hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế với học sinh, sinh viên


Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên lên 50% và đóng theo cơ sở giáo dục đào tạo mà không để tự lựa chọn hình thức đóng.

Chiều 31/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) bày tỏ mong muốn Quốc hội thông qua tại kỳ họp này để luật sớm có hiệu lực thi hành, đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, qua đó sớm tháo gỡ, giải quyết những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế cũng như quyền lợi của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Quan tâm tới quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là học sinh, sinh viên, đại biểu đề nghị tăng hỗ trợ mức đóng lên 50% và đóng theo cơ sở giáo dục đào tạo mà không để tự lựa chọn hình thức đóng. Như vậy sẽ kéo theo 2,8% số học sinh, sinh viên còn lại chưa tham gia sẽ tham gia bảo hiểm y tế.

Tăng hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình)

Liên quan tới sử dụng quỹ bảo hiểm y tế tại Điều 35 dự thảo luật, đại biểu đề nghị tăng thêm tỷ lệ dành cho khám bệnh, chữa bệnh. Về nguyên tắc, quỹ bảo hiểm y tế là quỹ ngắn hạn, thu năm nào chi năm đó, chỉ để kết dư một phần để gối đầu năm sau và bổ sung phần thiếu hụt quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay quỹ dự phòng đang tích lũy gần 50% quỹ khám chữa bệnh hàng năm mà chưa có biện pháp điều tiết phân bổ từ đầu năm cho kinh phí khám bệnh, chữa bệnh hoặc tăng quyền lợi, mức hưởng.

Do đó, nếu tiếp tục để tối thiểu 5% quỹ dự phòng là rất cao, có thể gây khó khăn cho nguồn chi khám chữa bệnh cho Nhân dân. Do đó, đại biểu cho rằng cần thiết phải tính toán cụ thể để dự phòng bao nhiêu cho phù hợp với gối đầu khi chưa thu kịp.

Tăng hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên
Đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang)

Cũng nêu góp ý, đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) đề nghị cần có đánh giá tác động kỹ hơn với một số chính sách lớn đưa ra như cần đánh giá tác động đến đến khả năng cân đối bảo hiểm y tế, mở rộng đối tượng tham gia; mở rộng phạm vi được hưởng cho người khám, chữa bệnh, sử dụng bảo hiểm y tế và tỷ lệ được hưởng đối với một số đối tượng để đảm bảo tính thuyết phục hơn.

Ngoài ra, đại biểu Tráng A Dương đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi toàn diện l`uật nhằm để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, đảm bảo tính thống nhất với các luật liên quan như Luật Đấu thầu; Luật Khám, chữa bệnh trong hệ thống pháp luật, khắc phục những khó khăn, bất cập nhằm đảm bảo quyền lợi các đối tượng chịu tác động của luật.

Link bài gốc Copy link
 
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật