Quang cảnh hội thảo |
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đồng chủ trì hội thảo.
Quy hoạch Thủ đô đã thể hiện tư duy, tầm nhìn mới
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc hội thảo |
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập trong bối cảnh Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rất rõ về định hướng phát triển của đất nước đến năm 2045; trên cơ sở Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025; Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đặc biệt, hiện nay đã có 109/110 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt; trong đó 20 quy hoạch cấp quốc gia và 7 quy hoạch tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng đã được phê duyệt.
“Hội nghị thể hiện sự chủ động phối hợp, cầu thị của lãnh đạo thành phố với quyết tâm cao nhất huy động trí tuệ, các ý kiến tâm huyết cùng xây dựng bản Quy hoạch Thủ đô đạt chất lượng cao nhất, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội thảo |
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, những tham luận, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội giúp thành phố có thêm thông tin, luận cứ khoa học hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch Thủ đô trước khi trình Hội đồng thẩm định nhà nước.
Mặc dù tiến độ yêu cầu gấp (thời gian thực tế triển khai khoảng 12 tháng so với quy định là 24 tháng) song Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được triển khai công phu, bài bản, nghiêm túc, đúng quy định.
Trong quá trình triển khai lập quy hoạch, thành phố Hà Nội đã tổ chức xin ý kiến 21 bộ, cơ quan Trung ương; 15 tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng; các chuyên gia, nhà khoa học và xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư thông qua website của cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô.
Nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã thể hiện tư duy, tầm nhìn mới, phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030; phát huy vai trò là cực tăng trưởng, động lực phát triển cho các địa phương trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng.
Cần cần tập trung vào lĩnh vực trọng điểm, đột phá
Đặt câu hỏi “Yếu tố nào là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho Hà Nội?”, ông Christopher Lewis Malone, Giám đốc Điều hành Dalberg khu vực Đông Nam Á nêu quan điểm, kinh tế phát triển không phụ thuộc vào quá nhiều ngành mà tập trung vào số ít ngành với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.
Giám đốc Điều hành Dalberg khu vực Đông Nam Á cho rằng, dự thảo báo cáo Quy hoạch Thủ đô nêu ra nhiều khía cạnh giúp thành phố tăng trưởng nhưng nếu không có ý tưởng đột phá thì Hà Nội khó tăng trưởng như kỳ vọng. Trên cơ sở đó, thành phố cần cần tập trung một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, đột phá. Hà Nội cũng cần cân nhắc về lợi thế cạnh tranh với các thành phố khác, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh. Các lĩnh vực về tài chính, công nghiệp và các ngành công nghệ sẽ chính là mũi nhọn để giúp kinh tế Hà Nội phát triển hơn nữa.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, PGS.TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, các kịch bản phát triển được đơn vị tư vấn đặt ra thể hiện nhiều tham vọng và chỉ đạt được với điều kiện thành phố áp dụng mô hình phát triển mới, theo hướng xanh, số, tuần hoàn, thông minh và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Thống nhất với đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô khi đưa ra 6 "điểm nghẽn" với phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội, tuy nhiên, PGS.TS Trần Trọng Hanh cho rằng, Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên cần nhấn mạnh trách nhiệm, vai trò của các bộ, ngành và Chính phủ trong giải quyết các "điểm nghẽn" này.
TS. Nguyễn Quang, nguyên Giám đốc Chương trình định cư - con người của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UN Habitat) cho rằng, đồ án Quy hoạch đã nhìn thẳng, trực diện vào nhiều vấn đề của Hà Nội để đưa ra nhiều định hướng phát triển chuẩn.
Tuy nhiên. dự thảo báo cáo Quy hoạch chưa làm nổi bật được vai trò của khu vực kinh tế phi chính thức, đưa ra các giải pháp tổ chức tốt hơn để thu được thuế, tạo nguồn lực cho thành phố từ khu vực này.
Dự thảo cũng chưa dự kiến được năng lượng tiêu thụ đến năm 2030 và chiến lược thích đáng ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện chiến lược quốc gia về giảm phát thải ròng bằng 0 mà Hà Nội có vai trò đi đầu.
Hà Nội phải là TP dẫn dắt, động lực cho phát triển cả Vùng
Phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề được nêu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải bày tỏ sự trân trọng trước các ý kiến góp ý sâu sắc, tâm huyết, có trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học tại về nguồn lực, động lực với các nội dung cụ thể hạ tầng giao thông kết nối; phát triển trục sông Hồng; mô hình 2 thành phố trực thuộc Thủ đô; văn hóa sáng tạo và con người; tài nguyên nhân văn và tài nguyên số…
Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, Quy hoạch Thủ đô hoàn thành là công cụ đặc biệt quan trọng để các cấp chính quyền thành phố hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển cho Thủ đô. Thành phố xác định Quy hoạch Thủ đô là quá trình, không phải là sản phẩm cuối cùng. Sau khi Quy hoạch được phê duyệt, thành phố sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch hành động cụ thể theo theo từng phân kỳ thời gian, lựa chọn chiến lược ưu tiên thực hiện.
Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng các nội dung của dự thảo Quy hoạch đã đáp ứng được yêu cầu theo quy định, quy trình của Luật Quy hoạch, các đề xuất có tính logic, hợp lý; đề nghị thành phố chỉ đạo các cơ quan lập quy hoạch nghiên cứu tiếp thu, giải trình hợp lý các ý kiến tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như các bộ, ngành.
Thành phố cần đánh giá được nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, xác định đúng các điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua cũng như làm rõ hơn vai trò, sứ mệnh của Thủ đô với sự phát triển của Vùng; xác định những trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên và các giải pháp thực hiện với yêu cầu là cần tư duy mới, tầm nhìn mới, mang tính chiến lược hơn để tạo ra các giá trị mới, động lực mới cho Thủ đô.
Một góc Hà Nội |
Phát triển Thủ đô cần tương xứng mới mục tiêu các Nghị quyết đã đặt ra, Hà Nội phải là thành phố đi đầu, dẫn dắt, động lực cho phát triển cả Vùng. Hà Nội cũng cần trở thành thành phố phát triển toàn cầu, ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Bám sát các Nghị quyết của Trung ương, các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch các địa phương trong vùng đã được xây dựng đê đảm bảo tính đồng bộ. Đẩy mạnh kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, chú trọng bảo vệ môi trường.
Thành phố cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, giảm ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; tập trung khai thác không gian ngầm kết hợp với phát triển đường sắt đô thị; đưa ra giải pháp đột phá thu hút nguồn lực để phát triển hệ thống đường sắt đô thị; tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm. Bên cạnh đó, TP cần có cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, lấy đó làm động lực tăng trưởng…
Thành phố cũng cần hoàn thiện hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu, đảm bảo đủ các yếu tố trình thẩm định. Các bộ, ngành, chuyên gia tiếp tục có ý kiến đóng góp vào nội dung quy hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ luôn sát cánh để hoàn thiện các thủ tục. trình Quốc hội xem xét.