Tiêu điểm

Thay đổi chu kỳ đăng kiểm xe theo thời gian hay km: Những vấn đề cần cân nhắc


Mới đây, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam lấy ý kiến chuyên gia về thay đổi chu kỳ đăng kiểm xe theo thời gian hay km. Tuy nhiên, đã có những quan điểm trái chiều về vấn đề này.

Sáng 11/3, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam lấy ý kiến chuyên gia về chu kỳ đăng kiểm xe, theo thời gian hay km. Tuy nhiên, qua khảo sát của PV Đời sống & Pháp luật, nhiều quan điểm trái chiều đã được đưa ra.

Nhiều quan điểm trái chiều

Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Huy Hoàng (29 tuổi, trú tại Đống Đa) cho biết: "Hiện nay, việc lực lượng chức năng kiểm định theo Kilomet (km) là không còn hợp lý. Người dân bây giờ có thể thay đổi được số km. Vì thế, việc kiểm định nên dựa theo thời gian".

Trong khi đó, anh Hải Nam (32 tuổi, Nghệ An) lại có quan điểm trái ngược. Anh cho rằng nếu dựa trên thời gian thì rất khó để xác định được. Bởi vì có những xe đi nhiều nhưng cũng có phương tiện đi ít km. Vì thế, tính theo số km là hợp lý và khoa học.

"Nhiều hộ gia đình duy trì số km mỗi năm chỉ từ 8.000 đến 9.000km. Trong khi đó, họ lại rất tốt trong việc bảo quản phương tiện. Mặt khác, những xe vận tải, kinh doanh chạy gấp cả chục lần xe gia đình và ít được quan tâm sửa chữa thì hạn đăng kiểm cũng không chênh là mấy".

dsc04604 1

Các phương tiện đến đăng kiểm tại Trung tâm 29-03V

Cùng quan điểm trên, anh Bùi Văn Thắng (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng nên kết hợp cả hai yếu tố thời gian và km. Hiện tại, các hãng xe họ đang đưa ra chính sách bảo hành theo phương án "x năm hoặc y km tùy điều kiện nào đến trước".

Sở dĩ có quy định này, là bởi những chi tiết kỹ thuật của xe sẽ gặp vấn đề bởi hao mòn, hư hỏng tự nhiên theo thời gian khi chạy quá nhiều hoặc chạy ít như để quá lâu.

"Do đó, nếu chỉ theo số năm, có xe đi ít lại thiệt thòi vì phải đi đăng kiểm vô nghĩa. Trong khi nếu chỉ theo số km, có xe để quá lâu mới đủ số km, khi ấy các đặc tính kỹ thuật vẫn có thể bị ảnh hưởng", anh Thắng nói.

Chuyên gia nói gì?

Theo TS. Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, việc quản lý nên tính theo thời gian bởi việc giám sát bằng km là không khả thi.

"Về việc đánh giá sự hao mòn của xe cũ và xe mới có thể thấy, xe chạy càng nhiều thì độ hao mòn càng lớn. Như vậy, có thể xác định được độ hao mòn xe thông qua số km di chuyển. Thế nhưng chúng ta không có cách nào quản lý được cây số, trên thế giới cũng không có nước nào quản lý được. Bởi vì xe chạy nhiều hay chạy ít có thể tua lại được đồng hồ, xe chạy 1.000 km rồi tua về 0 thì cũng không thể kiểm soát được", ông Tạo cho biết.

Tiến sĩ Tạo cho biết thêm, hiện nhiều nước trên thế giới vẫn quản lý bằng việc xác định thời gian.

dang kiem

Chu kỳ kiểm định xe cơ giới theo thông tư 16

Còn PGS.TS Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ôtô - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, để giám sát chất lượng xe cần kết hợp cả 2 yếu tố là km và thời gian, việc này cần tham khảo và tôn trọng những yêu cầu của hãng xe đã đề ra. 

"Đối với ôtô, việc giảm chất lượng sẽ phụ thuộc vào cả 2 yếu tố thời gian và quãng đường. Hiện nay các nhà sản xuất trong thời gian bảo hành họ đều đưa ra 2 yếu tố trên. Thời gian và quãng đường, yếu tố nào đến trước họ sẽ sử dụng yếu tố đó. Vì theo thời gian, nếu xe không di chuyển nhiều thì một số tính năng, kỹ thuật cũng sẽ tự suy giảm, hao mòn", ông Phúc nói. 

Do đó, theo ông Phúc, phương án tốt nhất bây giờ là tăng số năm cần kiểm định, đi kèm số km.

Ví dụ, xe chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải sản xuất dưới 7 năm hiện nay, chu trình kiểm định từ lần thứ hai là 18 tháng. Vậy có thể sửa thành 24 tháng hoặc 20.000km, tuỳ điều kiện nào đến trước.

"Tuy nhiên khi đưa vào quy định phải có các chế tài quản lý chặt chẽ hơn. Nếu không sẽ xuất hiện các trường hợp phương tiện thay đổi đồng hồ đo km. Khi đó chúng ta không thể kiểm soát được. Còn con số thế nào để chính xác nhất cần nhờ các đơn vị chuyên môn, chuyên gia tư vấn", ông Phúc chia sẻ thêm.

Bài viết liên quan