Tiêu điểm

Thứ trưởng NN&PTNT: 'Không dừng ở sản xuất lương thực trách nhiệm mà 'ăn cũng phải có trách nhiệm'


Lương thực toàn cầu là vấn đề lớn. Hiện tại, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, vấn đề không chỉ dừng ở sản xuất trách nhiệm mà “ăn cũng phải có trách nhiệm”. 

Sáng 18/4, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì họp báo giới thiệu Hội nghị toàn cầu lần 4 về Hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) bền vững.

-6116-1681795348.jpg

Bộ NN&PTNT tổ chức họp báo về Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống Lương thực thực phẩm bền vững.

Hội nghị có chủ đề: "Chuyển đổi hệ thống LTTP lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bao trùm trong bối cảnh khủng hoảng mới", diễn ra từ ngày 24-27/4. Đây là Hội nghị cấp Bộ trưởng với sự tham dự của 300 đại biểu, trong đó khoảng 200 đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế.

Trước câu hỏi: “Việt Nam đã có có một sản phẩm mang tầm quốc tế là gạo ST25. Thông qua hội nghị này, Bộ NN&PTNT đã có định hướng xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn của lương thực Việt Nam như thế nào?”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ, lương thực toàn cầu là vấn đề lớn. Hiện tại, vấn đề không chỉ dừng ở sản xuất trách nhiệm mà “ăn cũng phải có trách nhiệm”.

Việt Nam hiện được thế giới đánh giá cao về những đóng góp trong việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Điều này không chỉ nằm ở xuất khẩu những sản phẩm nổi tiếng như gạo ST25, hay đảm bảo nhu cầu lương thực cho 100 triệu dân, mà còn xuất khẩu lương thực, tham gia vào cộng đồng có trách nhiệm trên thế giới.

“Rất nhiều tổ chức quốc tế quan tâm đến điều này và đã có nhiều cam kết giúp Việt Nam xây dựng nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững. Việc này trước hết giúp ích cho nước ta, sau đó là giúp ích chung cho người dân toàn thế giới”, Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng NN&PTNT, thế giới hiện trải qua khủng hoảng lương thực mới. Do đó, Hội nghị này diễn ra nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi hệ thống lương thực lành mạnh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại hội nghị toàn cầu lần thứ 4, Ban tổ chức mong muốn liên kết các quốc gia, không chỉ trên lý thuyết mà còn là những cam kết cụ thể bằng hành động.

“Không quốc gia nào có thể tự giải quyết được những vấn đề này. Do đó, các quốc gia phải liên kết và có sự hỗ trợ lẫn nhau, trên cả hợp tác đa phương lẫn song phương”, Thứ trưởng NN&PTNT nhấn mạnh.

Trong dòng chảy ấy, Việt Nam với tư cách là nước đăng cai, kỳ vọng trở thành nhà cung cấp lương thực minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, đây là yếu tố rất quan trọng, bởi Việt Nam đang nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU, cũng như đáp ứng được yêu cầu từ EU về việc xuất khẩu cà phê nhưng không làm giảm suy thoái rừng.

Về vấn đề cụ thể là xuất khẩu gạo, Việt Nam mong muốn mở rộng thị trường gạo, bên cạnh các thị trường truyền thống như Philippines, các nước châu Phi thông qua các cuộc gặp song phương. Bên cạnh công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, Bộ NN&PTNT còn muốn truyền tải thông điệp “sẵn sàng” của Việt Nam trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thy Lê 

Bài viết liên quan