Tiêu điểm

Từ chuyện ‘đại gia’ nuôi bò thịt đến kỳ vọng giảm phụ thuộc nhập ngoại


Trong bối cảnh Việt Nam vẫn phải phụ thuộc hơn 50% vào nguồn thịt bò nhập khẩu, việc Vinamilk “bắt tay” với Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) phát triển tổ hợp chăn nuôi, chế biến bò thịt được kỳ vọng tạo ra cú hích lớn cho ngành chăn nuôi bò. Tất nhiên, tổ hợp cũng sẽ đối mặt với những thách thức về cạnh tranh, tự chủ nguồn thức ăn, cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường...

Theo đó, Tổ hợp Chăn nuôi và Chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo đã được khởi công tại Vĩnh Phúc, với tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng. Dự kiến năm 2024, Vinamilk sẽ ra mắt sản phẩm bò mát được chế biến theo công nghệ Nhật Bản.

Kỳ vọng giảm nhập khẩu bò thịt

Ông Masayoshi Fujimoto, Chủ tịch Tập đoàn Sojitz Nhật Bản, cho biết đây là dự án tiềm năng và trọng điểm tại Việt Nam của tập đoàn trong ít nhất 5 - 10 năm tới.

“Đánh giá thị trường thịt bò tại Việt Nam còn rất nhiều dư địa, nhu cầu tiêu dùng và sử dụng sản phẩm thịt chất lượng cao còn rất lớn, chúng tôi tin tưởng dự án sẽ tạo được một bước đột phá trên thị trường sau khi bắt đầu đi vào hoạt động”, ông Masayoshi Fujimoto nói.

-1316-1678352202.jpg

Ngành chăn nuôi bò vẫn đang gặp khó khăn trong việc phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. 

Trong khi đó, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico), khẳng định quyết tâm đưa Vinabeef không chỉ trở thành một thương hiệu sản phẩm thịt nói riêng mà còn là thương hiệu thực phẩm an toàn và uy tín nói chung, với các sản phẩm đạt chất lượng quốc tế, phục vụ thị trường Việt Nam và xuất khẩu.

Chia sẻ với truyền thông, đại diện Vinabeef nhìn nhận thị trường thịt bò tại Việt Nam đa phần được tiêu thụ tại các chợ truyền thống, nhóm công ty thịt bò thương hiệu chỉ chiếm phần nhỏ. Vì vậy, Vinabeef đặt mục tiêu trước mắt là gia nhập thị trường với các sản phẩm bò thịt tự nuôi.  

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam, trong nước hiện mới sản xuất, cung cấp được 40-45% nhu cầu tiêu dùng thịt bò, số còn lại khoảng 55-60% phải nhập khẩu từ nước ngoài. Chia sẻ với VnBusiness, PGS.TS Hoàng Kim Giao, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn, đánh giá Việt Nam chủ yếu nhập khẩu bò sống, sau đó về vỗ béo và giết mổ. Điều này cũng đặt ra những thách thức về kiểm soát dịch bệnh đối với chăn nuôi bò trong nước. Do vậy, ông Giao cho rằng việc phát triển các dự án về chăn nuôi bò thịt như cách mà Vinamilk đang triển khai là rất cần thiết.

Tuy nhiên, ông Giao lưu ý để phát triển bền vững thì tổ hợp chăn nuôi gia súc lớn trước hết phải đảm bảo an toàn về chất lượng từ khâu đầu vào đến đầu ra. Đồng thời, tổ hợp phải đảm bảo các tiêu chí về môi trường, có hệ thống xử lý chất thải thông qua quy trình chăn nuôi tuần hoàn, giảm phát thải.

Đồng thời, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn cho biết thực tế thời gian qua, một số doanh nghiệp đã phát triển các dự án bò thịt tự nuôi, nhưng số thành công không nhiều do còn gặp khó khăn trong việc phát triển nguồn thức ăn cho bò. Từ đó dẫn tới, nhiều công ty trong nước chuyển hướng sang chủ yếu nhập bò sống, về vỗ béo rồi bán.

“Thức ăn thô xanh rất quan trọng đối với chăn nuôi gia súc lớn, chăn nuôi gia súc nhai lại mà không có đồng cỏ sẽ thì thất bại. Thức ăn thô xanh quyết định thắng lợi hay thành bại chăn nuôi gia súc lớn”, ông Giao nhấn mạnh đó cũng là thách thức mà Vinabeef phải tính tới nếu muốn phát triển trang trại với quy mô lên tới 10.000 con bò thịt/năm.

‘Miếng bánh’ có dễ lấy phần?

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn kể lại câu chuyện cách đây hơn 10 năm, lúc ông còn đảm nhiệm cương vị Cục trưởng Cục Chăn nuôi. "Khi đó, tôi có dẫn hơn 10 đoàn quan khách quốc tế, nhà đầu tư đi khắp Việt Nam để khảo sát tình hình chăn nuôi bò thịt. Kết quả, họ đánh giá Việt Nam chưa phát triển chăn nuôi bò thịt theo đúng nghĩa, nguyên do là mình chưa có đồng cỏ lớn". Đồng thời khẳng định, đây rõ ràng vẫn là bài toán mà đến thời điểm hiện tại nếu muốn phát triển chăn nuôi bò thịt cần phải giải quyết.

Trong khi đó, dù đánh giá tổ hợp Vinabeef Tam Đảo sẽ nâng tầm ngành chăn nuôi công nghệ cao của Việt Nam, song Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý Vinabeef cần tập trung nguồn lực và chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan của địa phương để triển khai thực hiện dự án, bảo đảm đúng nội dung, đúng cam kết tiến độ đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận và các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường...

Hơn nữa, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như EVFTA, CPTPP... là cơ hội để các sản phẩm của những quốc gia có lợi thế về chăn nuôi bò thịt thâm nhập vào thị trường Việt Nam, cũng là thách thức đối với sản phẩm chăn nuôi trong nước. 

Theo báo cáo từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tính đến cuối năm 2022, đàn bò trên cả nước vào khoảng 6,53 triệu con, riêng đàn bò sữa là 335.000 con. Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện ngành chăn nuôi bò thịt vẫn phải đối mặt một số thách thức như: Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao, ảnh hưởng đến việc áp dụng công nghệ tiên tiến, công tác kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm, năng suất, giá thành. Việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cỏ và cây thức ăn cho bò ở nhiều nơi còn gặp khó khăn.

Trước thực tế trên, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh triển khai rộng rãi mô hình chăn nuôi bò bằng giải pháp thâm canh trồng cỏ, ngô sinh khối kết hợp ủ ướp với các loại phụ phẩm nông, công nghiệp, hương liệu để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm thịt, sữa...

Đồng thời, Cục Chăn nuôi phối hợp với các viện, trường và một số tổ chức quốc tế xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu thịt bò Việt Nam. "Nắm bắt thông tin, theo dõi sát tình hình nuôi gia súc ăn cỏ và tình hình nhập khẩu trâu, bò sống từ một số nước trong khu vực Đông Nam Á nhằm kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi và ổn định cung cầu thị trường trong nước cũng như định hướng phát triển bền vững", ông Thắng nhấn mạnh. 

Thúy 

Bài viết liên quan