Vào ngày 20/11, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết nước này đã đề nghị chuyển cho Ba Lan hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot.
Khi đưa ra lời đề nghị này, Đức nghĩ rằng họ đang giúp đỡ đồng minh Ba Lan, sau khi một tên lửa rơi xuống làng Przewodow ở biên giới đông nam nước này hôm 15/11.
Tuy nhiên, trái với sự nhiệt tình ban đầu, Warsaw bất ngờ phản đối mạnh mẽ lời đề nghị của Berlin. Và cho đến nay, chưa có hệ thống phòng thủ tên lửa nào của Đức đến lãnh thổ Ba Lan.
Theo Politico, đây là một phần nỗ lực của đảng cầm quyền Ba Lan nhằm khơi dậy tinh thần chống Đức trước cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2023.
Warsaw "quay xe"
Vào ngày 15/11, một tên lửa rơi trúng ngôi làng Przewodów ở biên giới Ba Lan, khiến hai người thiệt mạng. Mỹ, NATO và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác tin rằng tên lửa này có thể do lực lượng phòng không Ukraine bắn để chặn cuộc tấn công của Nga, theo Guardian.
Vụ việc đã khiến lực lượng phòng không Ba Lan - quốc gia thành viên của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) - phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Hệ thống tên lửa phòng không Patriot. Ảnh: National Interest.
Sau đó, Berlin đã đề nghị cung cấp cho Ba Lan hai hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất với trị giá khoảng một tỷ USD/hệ thống, đồng thời giúp Warsaw kiểm soát vùng trời bằng máy bay phản lực Eurofighter.
"Chúng tôi đã đề nghị hỗ trợ Ba Lan đảm bảo không phận, với máy bay chiến đấu Eurofighter và hệ thống phòng không Patriot", Reuters dẫn lời bà Lambrecht.
Phản ứng ban đầu từ Warsaw rất nhiệt tình.
"Tôi sẽ đề xuất đặt hệ thống này ở biên giới với Ukraine", ông Błaszczak nói thêm.
Tuy nhiên, Chủ tịch đảng Pháp luật và Công lý (PiS) cầm quyền tại Ba Lan Jarosław Kaczyński lại có tuyên bố trái ngược. Hai ngày sau phản ứng ban đầu của ông Błaszczak, ông Kaczyński nói với hãng thông tấn nhà nước rằng: "Sẽ tốt hơn cho an ninh của Ba Lan nếu người Đức cung cấp hệ thống (Patriot) cho Ukraine".
Vài giờ sau đó, Bộ trưởng Błaszczak cũng nhanh chóng thay đổi phản ứng ban đầu, nói rằng "các hệ thống Patriot cần được chuyển đến Ukraine và triển khai ở biên giới phía tây của nước này".
Phản ứng trước màn "quay xe" bất ngờ của đồng minh, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Lambrecht cho biết: "Patriot là một phần hệ thống phòng không tích hợp của NATO, có nghĩa rằng chúng chỉ được triển khai trong lãnh thổ các nước NATO".
Đại sứ Đức tại Warsaw Thomas Bagger cũng nói với đài truyền hình TVN24 rằng các hệ thống này thuộc quyền kiểm soát của quân đội Đức. Vì vậy, việc chuyển chúng tới Ukraine sẽ kéo theo nguy cơ binh sĩ NATO bị tấn công.
"Các hệ thống Patriot có thể được triển khai ở biên giới phía đông Ba Lan, sườn phía đông của liên minh trong vài ngày, thậm chí có thể trong vài tuần. Kế hoạch có thể diễn ra rất nhanh. Nhưng việc chuyển giao cho Ukraine là một vấn đề hoàn toàn khác", ông Bagger nói.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông "hoan nghênh" đề nghị của Đức, nhưng việc triển khai hệ thống ở đâu "vẫn là quyết định của mỗi quốc gia".
Trò chơi chính trị
Nhà lập pháp của Ba Lan Kaczyński ngày càng tỏ thái độ gay gắt hơn với lời đề nghị của Đức, thậm chí ông đặt nghi vấn về uy tín của Berlin với tư cách một đồng minh NATO.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht. Ảnh: Reuters.
Song ông Stanisław Koziej, cựu Giám đốc Cục An ninh Quốc gia Ba Lan, đã phủ nhận quan điểm này. "Rõ ràng càng có nhiều phương tiện phòng không thì không phận Ba Lan càng an toàn", ông nói với Politico.
Theo ông Koziej, Ba Lan đang trong quá trình triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot mà họ đã mua từ Mỹ cách đây vài năm, và các bệ phóng từ Đức sẽ tăng thêm sức mạnh cho hệ thống phòng thủ của nước này.
"Chúng tôi có hệ thống phòng không nhưng hệ thống phòng thủ tên lửa vẫn chưa hoàn thiện", ông nói.
Nhận định về sự mâu thuẫn trong tuyên bố từ các chính trị gia Ba Lan, nhà khoa học chính trị Anna Siewierska-Chmaj, từ Đại học Rzeszów, cho biết ông Kaczyński và đảng PiS đang tận dụng một trò chơi chính trị hơn là củng cố khả năng phòng không.
Đảng này đang cố gắng thu hút sự ủng hộ từ công chúng bằng cách dồn sự chú ý vào Đức - yêu cầu Berlin bồi thường thiệt hại trong Thế chiến II và cáo buộc Đức đứng về phía Brussels trong tranh chấp khiến EU giữ lại các quỹ phục hồi cho Ba Lan. Họ cũng cáo buộc Berlin có quan hệ với các đảng đối lập của nước này, đặc biệt là cựu Thủ tướng Donald Tusk (hiện là lãnh đạo đảng Cương lĩnh Dân sự đối lập).
"Đảng PiS biết rõ điều gì gây được tiếng vang với những cử tri cốt lõi của họ", ông Siewierska-Chmaj khẳng định.
Politico cũng cho rằng sự đối đầu với Berlin là mảnh đất màu mỡ cho đảng PiS. Điều đó được chứng minh trong cuộc thăm dò của trung tâm nghiên cứu CBOS vào tháng 11, với 31% người Ba Lan tham gia khảo sát cảm thấy "tồi tệ" về mối quan hệ với Đức - một con số kỷ lục.