Tiêu điểm

Vô lý khi ôtô mới xuất xưởng vẫn phải đi đăng kiểm?


Đại biểu Quốc hội cho rằng, một chiếc xe mới xuất xưởng đương nhiên phải đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng an toàn kỹ thuật trước khi lăn bánh, vậy việc mang xe đi đăng kiểm liệu có hợp lý?

Vô lý khi ôtô mới xuất xưởng vẫn phải đi đăng kiểm? Những ngày qua, nhiều trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM có số lượng ôtô đến kiểm định tăng đột biến. Ảnh: Anh Tú

Xe mới vẫn phải đăng kiểm: Quy định liệu có hợp lý

Theo ghi nhận của Lao Động, nhiều trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội, số lượng ôtô đến kiểm định vẫn tăng đột biến. Nguyên nhân do một số trung tâm phải tạm đóng cửa vì có sai phạm trong việc kiểm định phương tiện.

Việc phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để đến lượt đăng kiểm khiến nhiều tài xế tỏ ra mệt mỏi. 

Anh Nguyễn Văn Thanh (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, anh vừa mua chiếc Hyundai Accent đời 2022 nhưng vẫn phải đến trung tâm đăng kiểm để "xét xe". Anh cho rằng, điều này không cần thiết đối với một chiếc xe mới, nhất là trong thời điểm này, lượng phương tiện đến các trung tâm tăng rất cao. 

"Tôi dậy từ 5h sáng để đến Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29.03V (quận Cầu Giấy, Hà Nội) để "khám" xe. Thế nhưng, tôi chờ hơn nửa ngày vẫn chưa đến lượt, dòng xe xếp hàng chờ thì cứ dài thêm ra", anh Tuấn nói.

Theo anh Tuấn, xe không đăng kiểm được thì người dân đi lại rất khó khăn, nhất là thời điểm cận Tết Nguyên đán, chắc chắn sẽ bị cảnh sát giao thông phạt. Mức phạt cũng rất cao, từ 2-3 triệu đồng nếu quá hạn dưới 1 tháng và quá hạn trên một 1 tháng là 4-6 triệu đồng. Đồng thời bị tước giấy phép lái xe 1-3 tháng.

Xe ôtô nối đuôi nhau vào khu vực đăng kiểm. Ảnh: Anh Đàm Xe ôtô nối đuôi nhau vào khu vực đăng kiểm. Ảnh: Anh Đàm 

 

Trao đổi với Lao Động bên hành lang Quốc hội về vấn đề này, Đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, có nhiều trạng thái kiểm soát điều kiện kỹ thuật về sự an toàn của phương tiện ôtô. Trong đó có trạng thái xe mới xuất xưởng nhưng vẫn phải tiến hành kiểm định thì mới được lăn bánh.

"Việc một chiếc ôtô mới 100% khi được xuất xưởng thì các hãng xe đã phải đảm bảo đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn về chất lượng trước khi lăn bánh. Thế nhưng, những chiếc xe này vẫn bắt buộc phải mang đi kiểm định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mới được ra đường.

Đây là quy định rất tréo ngoe, vô lý. Tôi cho rằng, với quy định này, Bộ Giao thông và Vận tải cần phải xem xét lại, không nên kiểm định với những xe mới", ông nói, đồng thời cho biết, ở Thái Lan cho những phương tiện kiểm định lần thứ nhất là 3 năm, có những nước lên tới 6 năm - mới bắt đầu phải kiểm định.

Cũng theo ông Lê Thanh Vân, hiện nay, ranh giới phân tuyến quản lý và kiểm soát trong lĩnh vực đăng kiểm - giữa một bên là khu vực công, một bên là khu vực tư nhân còn mập mờ.

Đặc biệt là năng lực quản lý bằng pháp luật, bằng thực tiễn hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động đăng kiểm còn nhiều hạn chế, tiêu cực. Cho nên mới có hiện tượng móc ngoặc, cấu kết với nhau để "móc túi" người dân thông qua nhiều thủ tục. Những vụ khởi tố hình sự các cá nhân liên quan đến sai phạm trong vấn đề đăng kiểm thời gian vừa qua là minh chứng điển hình.

Theo ông Lê Thanh Vân, cần phải nhìn nhận những sai phạm trong hoạt động đăng kiểm trong thời gian qua là một bài học sâu sắc. Trên cơ sở đó, cần đánh giá lại việc phân công sao cho hợp lý trong quản lý nhà nước về hoạt động đăng kiểm.

"Theo tôi, nên tách dịch vụ đăng kiểm ra khỏi mối liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước. Có nghĩa là Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ nên kiểm soát hành vi và vấn đề tuân thủ pháp luật đối với các trung tâm và hoạt động đăng kiểm.

Đề xuất gia hạn thời gian đăng kiểm ôtô

Cũng liên quan đến vấn đề đăng kiểm, nhiều người cho rằng, trong bối cảnh các trung tâm đăng kiểm bị quá tải khi nhu cầu kiểm định tăng cao hiện nay, trước đề xuất giải pháp gia hạn thời gian đăng kiểm ôtô cho người dân như từng làm trong giai đoạn chống dịch COVID-19, tuy nhiên, tại buổi trao đổi báo chí ngày 12.11, ông Nguyễn Tô An - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng "rất khó thực hiện".

"Việc gia hạn đăng kiểm cho người dân có thể thực hiện trong các tình huống bất khả kháng như dịch bệnh, chiến tranh. Tình huống hiện nay không nằm trong các tình huống này nên khó áp dụng", ông An nói.

Ông cho biết thêm, điều đáng ngại nhất hiện nay nếu gia hạn đăng kiểm, trong số phương tiện được gia hạn có thể có xe không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Nếu cho những xe này tiếp tục lưu thông và gây tai nạn nghiêm trọng sẽ để lại hậu quả vô cùng to lớn và đau lòng.

Theo ông Nguyễn Tô An, qua Tết Nguyên đán, áp lực tại các trung tâm đăng kiểm sẽ giảm dần, tối đa sau 2-3 tháng nữa, tình hình sẽ hạ nhiệt.

Tác giả: Cường Ngô
Bài viết liên quan