Tiêu điểm

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững


Ngày 24/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với UBND thị xã Sơn Tây tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Đưa sản phẩm nông nghiệp an toàn vào hệ thống siêu thị

Diễn đàn là cơ hội để các hộ sản xuất, hợp tác xã kết nối với đơn vị, doanh nghiệp đưa sản phẩm nông nghiệp an toàn vào hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho biết: Diễn đàn được tổ chức không chỉ nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản cho nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã trên địa bàn thị xã Sơn Tây, mà còn là dịp để giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản của thị xã Sơn Tây tới các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, tiêu thụ nông sản trong cả nước.

Thông qua diễn đàn, giúp cho các hộ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã có cơ hội trao đổi, tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cấp, ngành và địa phương trong việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản; cung cấp thông tin, khuyến khích mở rộng sản xuất, thu hút đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Trong những năm qua, thị xã Sơn Tây đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp đã đạt hiệu quả thiết thực, góp phần tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn. Thị xã đã hình thành được một số mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao gồm: mô hình liên kết trong chăn nuôi, tiêu thụ gà Mía của Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía Sơn Tây; mô hình nuôi ong lấy mật của Tổ hợp tác nuôi ong lấy mật Kim Sơn.

Ngoài ra, thị xã còn một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao như: Trồng hoa, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại phường Viên Sơn; trồng hoa cúc chi tại xã Thanh Mỹ; chăn nuôi bò sữa tại xã Kim Sơn; nuôi dê tại phường Xuân Khanh… Tuy nhiên, để sản phẩm đến với thị trường rất cần các chuyên gia, sở, ngành hỗ trợ quảng bá, kết nối, hoàn thiện chuỗi liên kết...

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hương Giang

Tại thị xã Sơn Tây, năm 2024, tổng diện tích gieo trồng của thị xã đạt 4.242,1ha, tăng 3,6%; chăn nuôi phát triển ổn định với khoảng 6.800 con trâu bò, tăng 6,25%; đàn lợn là 61.198 con, giảm 7,2%; đàn gia cầm gần 1,2 triệu còn, tăng 18,2%... Thị xã đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao…

Tại diễn đàn, các hợp tác xã cho rằng, hiện phần lớn nông sản trên địa bàn thị xã Sơn Tây bảo đảm chất lượng nhưng đầu ra cho sản phẩm còn khó khăn. Một số chuỗi liên kết chưa hoàn chỉnh, quy mô liên kết vừa và nhỏ, chủ yếu là sản phẩm tươi sống, còn thiếu sản phẩm chế biến sâu; việc liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất đôi khi còn chưa chặt chẽ.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm an toàn còn yếu, nên sản phẩm của hợp tác xã vẫn chủ yếu tiêu thụ qua các kênh truyền thống, chưa đưa vào được siêu thị, cửa hàng tiện ích…

Giải đáp những khó khăn của các hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà quản lý đã khuyến nghị nhiều giải pháp xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững, giúp nông dân tăng thu nhập, cũng như để các đơn vị, doanh nghiệp yên tâm, tin tưởng với chất lượng của nông sản thị xã Sơn Tây.

Theo đó, nông sản để vào được siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch hay tiếp cận khách hàng yêu cầu cao đòi hỏi gắt gao tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ngoài giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn, doanh nghiệp còn kiểm tra, đánh giá thực tế cơ sở sản xuất về sản lượng, vùng trồng, tiếp đến mới quyết định ký hợp đồng với nhà sản xuất. Do đó, nông dân, hợp tác xã cần đặc biệt lưu ý vấn đề sản xuất an toàn để sản phẩm đạt chất lượng đồng đều.

Nhân rộng các mô hình hiệu quả

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết: Hầu hết nông sản của Hà Nội sản xuất đều bảo đảm an toàn. Việc liên kết tiêu thụ nông sản tuy có nhiều chuyển biến, song vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững

Sản phẩm Mật Ong Kim Sơn của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Kim Sơn, xã Kim Sơn được phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao

Do đó, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức sản xuất theo chuỗi quy mô lớn, sản xuất công nghệ cao, bền vững, phát triển chuỗi sản xuất có chứng nhận GAP, GMP, HACCP….

Đồng thời xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, phát triển các chuỗi sản phẩm nông, lâm, thủy sản có thế mạnh của tỉnh, thành phố, nhằm gia tăng thị phần các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của các địa phương tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, để kết nối cung - cầu, đưa sản phẩm nông nghiệp đến tay người tiêu dùng, ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ cho các hợp tác xã tại các vùng nông nghiệp lớn tự tìm kiếm và ký kết hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ, tránh việc tiêu thụ sản phẩm qua nhiều khâu trung gian.

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp tiếp tục nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân bằng việc thực hiện nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hiệu quả...

Link bài gốc Copy link